Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Địa chỉ tin cậy của trẻ em khuyết tật

Kể từ khi thành lập (tháng 12/1996) tới nay, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã khám và điều trị cho khoảng hơn 1.000 em khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Trung tâm kết hợp với Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phẫu thuật chỉnh hình cho 62 trẻ em khuyết tật, xin học bổng cho 20 cháu khuyết tật có nghị lực vươn lên trong học tập.

Trẻ em đang được điều trị tại Trung tâm.

Trẻ em đang được điều trị tại Trung tâm.

Là một trong những đơn vị tiêu biểu của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển Trung tâm, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.

Trung tâm hiện có 9 cán bộ, trong đó có 5 y bác sỹ và 2 giáo viên, 2 cán bộ tình nguyện tham gia một số hoạt động của Trung tâm và vận động từ thiện. Các cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm luôn đem hết khả năng và sự nhiệt tình của mình để khám, điều trị tật bệnh cho trẻ khuyết tật, tất cả với mong muốn cứu vớt những mảnh đời bất hạnh này có cơ hội được cứu chữa bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trung tâm đã khám và cấp thuốc miễn phí cho trẻ khuyết tật, duy trì phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật thuộc các thể bệnh: liệt vận động, liệt tay, chân, bãi nạo, câm điếc, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… Các cháu đến từ Huyện Thuận Thành và huyện lân cận như TP Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài. Ngoài ra, còn có một số cháu đến từ Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Quá trình điều trị cho các bé bao gồm xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, chạy máy điện xung, siêu âm... Việc châm cứu đòi hỏi sự kiên trì và cẩn thận của người y sĩ lẫn người bệnh. Hàng chục chiếc kim châm vào người khiến chúng bật khóc, người thân phải giữ chặt lấy em để bác sĩ đặt đúng chỗ. Một số cháu có tiến triển tốt, nếu điều trị tích cực có khả năng khỏi bệnh tật.

Một số trẻ em tàn tật được điều trị tại trung tâm đã đỡ và khỏi bệnh được giới thiệu đi học chữ, học nghề tại các cơ sở hướng nghiệp nhân đạo, trường nuôi dạy trẻ tàn tật tỉnh Bắc Ninh và nhận được học bổng.

Bác sỹ Nguyễn Huy Quảng khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuận Thành.

Bác sỹ Nguyễn Huy Quảng khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuận Thành.

Bác sĩ Nguyễn Huy Quảng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật, nhất là các thể bệnh đặc biệt có không ít niềm vui khi chứng kiến bệnh nhân hồi phục, song cũng nhiều nỗi niềm suy tư khi chúng tôi đã nỗ lực hết sức mà tình trạng bệnh không tiến triển tốt lên. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em điều trị tại Trung tâm có tiến triển tốt đạt từ 60-70%, nhiều em khỏi bệnh và hòa nhập cộng đồng. Dù trong hoàn cảnh nào tôi vẫn luôn động viên các y sỹ, điều dưỡng phải cố gắng, nỗ lực vì trẻ em. Các trẻ khuyết tật ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiệt thòi. Chúng tôi luôn cố gắng bù đắp phần nào thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ. Chính vì vậy, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, các cán bộ, bác sỹ, thầy cô phải giàu tình yêu thương, làm việc với tinh thần tâm huyết, tình nguyện.

“Niềm vui lớn nhất với tôi là mỗi ngày được thấy những tiến bộ dù là nhỏ nhất của các bệnh nhi” – BS Nguyễn Huy Quảng.

Cách đây vài năm, Bác sỹ Nguyễn Huy Quảng nhận được thiệp mời dự đám cưới của người từng là bệnh nhân của mình tại thôn Hoàng Xá (xã Ninh Xá, Thuận Thành). Trước đây, em bị biến chứng nên liệt không đi lại được, gia đình cũng chữa trị ở nhiều nơi mà bệnh tình không giảm. Sau gần 2 năm kiên trì điều trị tại Trung tâm, em khỏi bệnh, đi làm, lập gia đình và sinh con. “Những tin vui đó luôn tiếp thêm năng lượng, động lực để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục công việc, quyết tâm hơn nữa để chữa trị cho những trẻ em khuyết tật”, bác sĩ Quảng tâm sự.

Hiện, Trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền đến gia đình có con em không may bị khuyết tật đến khám và điều trị miễn phí tại Trung tâm. Tích cực vận động các tổ chức, cơ quan, đoàn thể ủng hộ kinh phí để Trung tâm hoạt động. Hàng tuần, tổ chức họp để lấy ý kiến của cán bộ, nhân viên Trung tâm và của gia đình trẻ khuyết tật đến điều trị để có phương pháp điều trị tốt hơn.