Khi dân chúng "thần hồn nát thần tính" về loài vật này đang đe doạ cả thế giới và về khả năng tái sinh, thậm chí có thể sống trong cơ thể người, thì những nhà chuyên môn lại tỏ ra hết sức bình tĩnh.
Họ cho rằng, đừng vì định kiến vốn đã thành ý thức xã hội khi nghĩ về con đỉa mà phủ nhận những giá trị y học của nó.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của y học và những lương y chế biến "có tâm". Ngược lại, sẽ là một câu chuyện khác, đầy kinh hãi...
Nếu tái sinh, Đông y đã không dùng
Ông Huỳnh Dũng, bác sĩ Đông Y ở quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, bao năm nay, trong những bài thuốc đặc biệt cho những bệnh nhân bị tai biến, ông thường dùng bột đỉa, với một liều lượng vừa phải.
“Trong giới Đông y, rất nhiều người sử dụng bột đỉa. Ở ngoài, hễ cứ nhắc đến đỉa là sợ, nhưng nếu biết cách xử lý, nó sẽ là một vị thuốc đặc biệt, mà giới Đông y chúng tôi luôn cần”, ông Dũng nói.
Liên hệ một số bác sĩ Đông y, họ cũng đều nói với những nội dung tương tự. Đa số họ đều khẳng định: "Nếu đỉa tái sinh được và sống được trong bụng người, thì chẳng thầy thuốc nào dám đụng đến!".
Bác sĩ Trương Văn Chúc (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) thẳng thắn khẳng định, đỉa là một vị thuốc quý. Tuy nhiên, ông không phủ nhận, trứng đỉa khi còn phôi trong đỉa khô, vẫn có khả năng sinh ra đỉa con.
Bác sĩ Chúc, với tính cẩn thận của một lương y, vẫn có chút nghi ngại về khả năng "một thế hệ đỉa mới" sẽ xuất hiện, nếu không dùng đúng phương pháp chế biến đỉa.
Theo ông, đó không phải là đỉa "sống lại". Mà là, trứng đỉa nở ra con. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Có một thứ trị “tiệt nọc” trứng đỉa, đó chính là dầu dừa. Hầu hết, giới Đông y vẫn sử dụng phương pháp này. Đó là rán đỉa với dầu dừa nóng đến giòn tan thì vớt ra, tán thành bột cất vào lọ lưu trữ. Phương pháp này, theo ông, đỉa không bao giờ tái sinh nổi.
“Trứng đỉa có 1 lớp kitin (chitin) như ở trứng giun, trứng gián bao bọc lớp màng bảo vệ thì mới có thể tái sinh ở dạng khô tạm thời, còn khi đã chế ở dạng thuốc thì không thể tái sinh được", ông nói.
Sự cẩn thận không chỉ với đỉa, mà với bất cứ sản phẩm nào khi bạn chế biến. Nếu chế biến tốt, đỉa là một vị thuốc quý, ứng dụng lâm sàng điều trị viêm tắc động mạch, tĩnh mạch chi do huyết khối hoặc nhồi máu não.
Cũng theo bác sĩ Chúc, đỉa chiết xuất thuốc trị nhồi máu não rất tốt. Những thầy thuốc y học cổ truyền ở Việt Nam vẫn dùng rất nhiều.
Tuy nhiên, dùng như thế nào lại là một vấn đề. Theo bác sĩ Chúc, dùng đỉa làm thuốc thì phải có liều lượng chặt chẽ vì dùng quá sẽ gây chảy máu. Nếu là dạng bột thì dùng từ 4 – 6g, có thể dùng tới 8g, nhưng thông thường chỉ dùng 4g /1 ngày.
Mối hiểm hoạ
Tiến sĩ Vũ Anh Tài, Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, nhóm có khả năng tái sinh là đỉa phiến – 1 nhóm sinh vật gần giống như con đỉa có khả năng tái sinh rất khỏe, cắt làm bao nhiêu phần nó sẽ trở thành bấy nhiêu con.
Nhóm này có trình độ tiến hóa rất thấp, có khả năng tái sinh rất tốt. Loại này hiếm, chỉ có trong phòng thí nghiệm.
Nhóm đó, theo TS. Tài, không có ở Việt Nam. Ông cho rằng, 2 loại đỉa ở Việt Nam là đỉa rơm và đỉa trâu, thường gặp ở nông thôn Việt Nam, thuộc lớp đỉa Hirudin, không có khả năng tái sinh.
“Chính bản thân tôi đã từng làm thí nghiệm phơi khô, đốt, cắt con đỉa hirudin để xem nó có khả năng tái sinh không, nhưng đều thất bại hoàn toàn", ông khẳng định.
Tuy nhiên, TS. Tài cho rằng, theo khoa học, đỉa hirudin vẫn có thể tái sinh một phần, tức là như con thạch sùng, đứt đuôi mà vẫn sống.
“Nhưng đứt đầu hoặc đứt qua phần hậu môn thì chết hẳn, không thể sống lại được”, ông quả quyết.
TS. Tài cũng nhấn mạnh, nếu đã qua xử lý nhiệt rồi thì đỉa không còn khả năng tái sinh. Khoa học đã chứng minh điều đó.
Nhưng, khoa học cũng chứng minh một điều khác ở con đỉa, đủ để ta lý giải nỗi sợ của người đời với nó, là hoàn toàn có căn cứ.
TS. Tài cho rằng, khi con đỉa trong thời gian sinh sản, túi bụng của nó chứa rất nhiều trứng.
“Nếu vô tình con đỉa chưa bị chết hoàn toàn (ở dạng đông khô tạm thời hoặc chết lâm sàng chứ không phải sấy khô), khi gặp nước mưa, trứng có thể vỡ ra và phát triển thành một hệ đỉa mới. Điều đó thuộc về vấn đề sinh sản chứ không phải là tái sinh", ông cho hay.
Cũng như ý kiến của các bác sĩ Đông y, tiến sĩ cũng cho rằng, khắc tinh của đỉa là dầu dừa sôi, có thể tiêu diệt hoàn toàn cả đỉa lẫn trứng. Vì vỏ trứng của đỉa cũng chỉ là một dạng collagen bình thường, chưa đạt được đến trình độ của kitin, nếu xử lý ở nhiệt độ cao sẽ chết hết.
TS Tài thông tin, những loại côn trùng được phát hiện trong đồ ăn hoặc đồ mặc gây sốc dư luận thời gian qua, đó là một dạng sán, chứ không phải đỉa.
Loại sán này có thể vô tình tồn tại trong thực phẩm do dây chuyền sản xuất sản phẩm không khép kín hoặc bị ô nhiễm ở một công đoạn nào đấy. Những vật chủ như ốc, cua có thể chứa các loại sán đó.
“Trên thế giới hiện nay người ta cũng đang khai thác đỉa hirudin để chế tạo ra hirudin là một chất chống đông máu. Trong quá trình vận chuyển máu của các ngân hàng máu rất cần chất này”, TS. Tài nhấn mạnh.
Như vậy, đỉa dù được "minh oan" thì vẫn là con dao hai lưỡi. Sự bất cẩn, làm ăn thiếu cái tâm, thì những mầm hoạ sinh sôi từ loài côn trùng này vẫn xảy ra như thường. Nhất là, trong tình trạng nuôi cấy và buôn bán tràn lan, khó có thể đảm bảo.
Dù được giới Đông y tin dùng, nhưng không vì thế mà ta cổ xuý cho nạn buôn bán tràn lan khi mà những mầm hoạ của nó từ việc bất cẩn, đã được chứng minh!