HIV đang lây lan ra cộng đồng
Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, có 20 tỉnh phát hiện HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là các tỉnh, thành: Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số người nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước.
Một điều đáng lưu ý là một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì số mới nhiễm HIV được phát hiện vẫn gia tăng.
Bệnh nhân HIV tăng ở 20 tỉnh, thành trong nửa đầu năm 2017
Theo đánh giá của Cục phòng chống HIV/AIDS, tình dục vẫn đang là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất hiện nay. Cụ thể, trong số người nhiễm HIV phát hiện mới, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, mẹ sang con 3%. Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây, tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016.
“Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, dịch HIV ở Việt Nam ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đồng thời cho thấy HIV vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu chúng ta không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế” - ông Nguyễn Hoàng Long nhận định.
Hiện nay, việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó khăn. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện muộn trong quá trình khám chữa bệnh. Các hoạt động can thiệp giảm hại và truyền thông triển khai hạn chế do thiếu kinh phí. Bệnh nhân điều trị thay thế nghiện bằng Methadone và bệnh nhân ARV tăng chậm…
Tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT mới chỉ đạt 50%
Nói về những khó khăn trong công tác phòng chống HIV, ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đến thời điểm này, tỷ lệ tham gia BHYT của người nhiễm mới đạt trên 50%. Một số bệnh nhân không tham gia BHYT vì sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử do lộ danh tính, ngại chờ đợi khi phải khám bảo hiểm. Một số bệnh nhân khác do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua BHYT theo hộ gia đình. Một số người do thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt, có tiền cũng không đủ điều kiện tham gia BHYT.
“Người bệnh nhiễm HIV trước đây được dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, đến nay nếu được thanh toán từ quỹ BHYT thì phải tham gia BHYT, mà người nhiễm HIV thường khó khăn về tài chính nếu phải mua thẻ BHYT thường xuyên, đầy đủ”, ông Cảnh cho biết.
Tư vấn cho người nhiễm HIV tham gia BHYT
Bên cạnh đó, theo ông Cảnh, hiện nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, vì vậy, nhiều cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề nên cần phải có thời gian thực hành tại bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề, cơ sở mới được cấp giấy phép khám chữa bệnh.
Tính đến tháng 5/2017, cả nước có hơn 209.000 người nhiễm HIV còn sống. Cũng trong 5 tháng đầu năm, có 1.959 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Trong 5 tháng đầu năm, số trường hợp HIV dương tính mới phát hiện khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%, số bệnh nhân AIDS giảm 21%, số tử vong giảm 34%. |