Tại Đắk Lắk sáng 30/11, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Lê Phúc cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các trường hợp mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh từ tháng 7 đến nay.
Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 9.558 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 4,65 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 10 trường hợp tử vong tại 6/15 huyện, thị xã, thành phố, tại tỉnh này hiện cũng ghi nhận 371 ổ dịch sốt xuất huyết tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố.
Tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh theo chu kỳ 3 năm lập đỉnh dịch một lần. Năm 2013, toàn tỉnh ghi nhận 4.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, năm 2016 ghi nhận 13.234 trường hợp và năm 2019 ghi nhận 23.040 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Theo chu kỳ này, năm 2022 được dự báo sẽ là năm đỉnh dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh và đang diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành điều tra xử lý 100% ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện. Bên cạnh đó, đã thực hiện lấy 655 mẫu xét nghiệm PCR, trong đó có 385/469 mẫu dương tính, phát hiện có 4 type D1, D2, D3 và D4 lưu hành trên địa bàn tỉnh và 186 mẫu chưa có kết quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã triển khai giám sát định kỳ véc tơ sốt xuất huyết tại các huyện trọng điểm trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch nhỏ, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo tuyến về công tác phòng, chống dịch tại các huyện, nhất là các huyện trọng điểm về dịch sốt xuất huyết.
Nhằm hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng, chống sốt xuất huyết cho các cán bộ y tế của tỉnh, huyện, mở 2 lớp tập huấn về giám sát, phòng chống bệnh sốt xuất huyết và chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Hiện nay, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai thực hiện Công điện số 1576/CĐ-BYT ngày 24/11/2022 Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm, phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là tại các ổ dịch không để dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Tại tỉnh Đắk Nông: Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, bệnh nhân là nữ, 50 tuổi, trú tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tính đến ngày 29/11, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm 2021. Các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút và thành phố Gia Nghĩa là nơi ghi nhận số ca mắc nhiều nhất.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, tính đến cuối tháng 10/2022, Bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho khoảng 700 người mắc sốt xuất huyết. Hầu hết các trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao, trong đó có nhiều người diễn biến nặng, phải triển khai biện pháp điều trị phức tạp. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trở nặng rất nhanh, khác với các mùa dịch trước.
Trước nguy cơ dịch bùng phát kéo dài, lan rộng, ngành y tế Đắk Nông đề nghị các địa phương tăng cường công tác giám sát, xử lý ổ dịch, triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng, đảm bảo vệ sinh môi trường
Tại tỉnh Bình Định: Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng cao đột ngột, nhiều bệnh viện quá tải, thiếu giường. Ngành y tế tỉnh Bình Định tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Tính đến ngày 27/11, trên địa bàn huyện Tây Sơn đã phát hiện có 34 ổ dịch ở 15/15 xã, thị trấn với tổng 1.112 ca.
Số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng cao, số ca chuyển nặng từ các nơi chuyển về khiến cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định quá tải. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường hoặc kê giường xếp nằm để điều trị bệnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết bệnh viện tiếp nhận số ca mắc sốt xuất huyết chuyển nặng ở TP Quy Nhơn và một số huyện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều ca chuyển nặng từ các huyện lân cận của các tỉnh Phú Yên, Gia Lai chuyển đến.
Số giường thực kê ở khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là 145 giường, nhưng theo thống kê vào ngày 28/11 có tới 244 bệnh nhân. Trung bình tại Khoa Nhi một ngày có 50 bệnh nhân đến nhập viện điều trị. Trong số bệnh nhân tiếp nhận thì có khoảng 20 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và có 30 phần trăm trong đó là số ca chuyển nặng. Riêng trong sáng 28/11, số ca sốt xuất huyết ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lên đến 78 ca, trong có có 25 ca chuyển nặng. Phần lớn những ca sốt xuất huyết dengue nặng biểu hiện chủ yếu là sốc, sốc nặng; một số trường hợp tổn thương gan, men gan tăng trên 1.000…
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, hiện nay bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh không chỉ phổ biến ở khu vực thành phố, đồng bằng mà còn tăng nhanh ở khu vực miền núi. Tính đến ngày 27/11, toàn tỉnh Bình Định phát hiện, xử lý 311 ổ dịch, 5.617 ca mắc sốt xuất huyết ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Số mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ tháng 5 sau đó giảm nhẹ và tiếp tục tăng từ tháng 9, tăng mạnh trong tháng 10 đến nay. Dự báo ca bệnh vẫn tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào tháng 11, tháng 12. Khả năng lây truyền bệnh có nguy cơ tăng do trên địa bàn hiện nay đang tồn tại cả 2 loài véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết dengue. Bên cạnh đó mức độ tăng khả năng chịu đựng của muỗi Aedes đối với hóa chất diệt ngày càng phổ biến làm giảm hiệu quả xử lý.