Từ đầu tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên. Chỉ sau hơn một tháng, dịch đã lan tới 8 tỉnh, thành phố ở phía Bắc. Tính tới ngày 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Ngày 5/3, tại hộ chăn nuôi của ông Mai Xuân Trường ở đội 3, xóm Cát, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình đã đến tiến hành kiểm tra dịch bệnh và xác nhận dương tính với dịch tả lợn châu Phi .
Theo đó, tổng đàn lợn hiện có của gia đình ông Trường là 15 con (12 con lợn thịt, 3 con lợn nái). Trong đó, 12 con lợn bị ốm, 3 con lợn chết. Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn gia đình ông Trường tiêu hủy 3 con lợn theo đúng quy định.
Tại tỉnh Điện Biên cũng xuất hiện ổ dịch tại các bản Bon A, Lóng Luông, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo. Các mẫu kiểm tra đều dương tính với virus tả châu Phi.
Cân lợn trước khi đem đi tiêu hủy ở Hà Nam. Ảnh: TTXVN
Ngày 6/3, Hà Nội phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi thứ hai tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Ổ dịch được xác định tại hộ gia đình bà Trương Thị Vân ở xóm 6, thôn Thụy Lôi. Theo bà Vân, ngay khi có 1 con lợn bị chết, gia đình đã báo cáo lên UBND xã Thụy Lâm.
UBND huyện Đông Anh đã phối hợp với Chi cục Thú y Vùng 1, Sở NN&PTNT Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 10 con của hộ bà Vân. Trong ngày 6/3, huyện cũng đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn xã Thụy Lâm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, hiện địa phương đã lập 3 chốt kiểm soát vào xã Thụy Lâm. Mỗi ngày, cơ quan chức năng tổ chức phun thuốc 2 lần tại ổ dịch thôn Thụy Lôi. Dự kiến, sẽ phun tiêu độc khử trùng 2 lần/tuần trên địa bàn toàn xã Thụy Lâm.
Dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng rất nguy hiểm vì lây lan nhanh, đồng thời, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, nên tỷ lệ lợn chết cao, thậm chí tới 100%. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành Chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ở hầu hết các địa phương hiện nay, các hộ phần lớn vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao. “Các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư, không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát, lây lan nhanh”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định.
Tiêu độc khử trùng ở Hà Nam. Ảnh: TTXVN
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử nhiều đoàn đi các địa phương để chỉ đạo công tác dập dịch. Ngày 2/3, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã xuống Hải Phòng để chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.
“Qua kiểm tra đánh giá tình hình cho thấy, các địa phương đã vào cuộc khẩn trương, từ lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến người dân đều áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn, tích cực tiêu độc khử trùng, phun vôi bột và tiêu huỷ khi có lợn mắc dịch. Tuy nhiên, cả nước hiện có 14 triệu hộ chăn nuôi, bởi vậy, việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường cho biết.
Bên cạnh đó, giá lợn hơi khu vực phía Nam, đặc biệt là tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chênh lệch khá cao (7.000 – 10.000 đồng/kg) với giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc, khiến gia tăng nguy cơ thương lái sẽ vận chuyển lợn hơi từ Bắc vào Nam tiêu thụ.
Tại miền Nam, TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lợn lớn nhất nước, khoảng 10.000 con/ngày. Do đó, việc kiểm soát, không để lọt dịch vào TP là rất quan trọng. Bởi nếu dịch sẽ gây ra nguy cơ lây lan rất lớn. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của TP Hồ Chí Minh cũng đã xử lý 3 trường hợp vận chuyển lợn trái phép từ các tỉnh có dịch là Thái Bình, Hưng Yên... vào các lò mổ
Để ngặn chặn dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhập các tỉnh phía Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các lò mổ dừng nhập lợn từ các tỉnh phía Bắc, chỉ nhập từ những vùng an toàn như miền Tây, Đông Nam Bộ.
“Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh trong quá trình luân chuyển lợn từ Bắc vào Nam tại các tuyến đường độc đạo, yết hầu như đèo Hải Vân, duyên hải miền Trung”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nói.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: “TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 04 và các văn bản của Bộ NN&PTNT, TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan. Theo đó, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn, sản phẩm thịt lợn tại tất cả các đầu mối giao thông. Trạm chăn nuôi thú y quận, huyện phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vận chuyển heo trái quy định của pháp luật.”
“Thông qua ứng dụng Zalo, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin với các trang trại chăn nuôi. TP cũng tổ chức các tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tại TP.HCM, chưa xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nào nguy hiểm”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết.