Nhiều trẻ em, người khuyết tật được hỗ trợ.
Với chức năng trợ giúp, tư vấn cho các đối tượng trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân... và kết nối với các chương trình, dự án hỗ trợ, thời gian qua, thông qua đường dây nóng (18001046), Trung tâm Công tác xã hội TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ cho hơn 840 trường hợp cần sự trợ giúp, trực tiếp tại văn phòng gần 380 trường hợp, qua đó tư vấn kết nối cho 937 trường hợp và can thiệp (mở hồ sơ) cho gần 240 trường hợp.
Trẻ bị sang chấn tâm lý được sự trợ giúp trị liệu tâm lý, can thiệp điều chỉnh hành vi...
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức Holt, Trung tâm đã hỗ trợ cho 62 trường hợp, với tổng số tiền hơn 289 triệu đồng thông qua chương trình phục hồi, bảo tồn gia đình; hỗ trợ 37 trường hợp trẻ em được đến trường, với tổng số tiền 175 triệu đồng.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong số các cuộc gọi đến Trung tâm cần sự hỗ trợ, rất nhiều trường hợp cần tư vấn, trợ giúp chủ yếu có liên quan đến các chính sách về bảo vệ chăm sóc trẻ em và các chính sách về người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Chính vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa, công tác phục hồi là một trong những nhiệm vụ được Trung tâm quan tâm, chú trọng.
Theo đó, tùy theo từng trường hợp cụ thể, đối với những trẻ em bị hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi, ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ, trẻ bị sang chấn tâm lý do bạo hành hoặc bị xâm hại...trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau khi được tư vấn đến khám tại các cơ sở y tế, Trung tâm sẽ hỗ trợ miễn phí các dịch vụ như trị liệu tâm lý, can thiệp điều chỉnh hành vi, cùng phụ huynh xây dựng kế hoạch hỗ trợ và chăm sóc trẻ tại gia đình.
Đối với các trường hợp cần sự trợ giúp là người khuyết tật, Trung tâm cũng có các hoạt động như tư vấn, kết nối và huy động các nguồn lực trợ giúp người khuyết tật từ xã hội. Cụ thể, như tư vấn nghề cho người khuyết tật tại Chợ việc làm, tặng xe lăn, xe lắc...
Đặc biệt, thông qua mô hình “Trợ giúp người khuyết tật là nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng”, trong 2 năm (2013-2014), Trung tâm đã khảo sát và hỗ trợ cho hàng chục trường hợp là nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, hỗ trợ sinh kế để tạo thu nhập cho gia đình.
Làm nghề phải có cái tâm với nghề.
Nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả, thậm chí có những lúc con người ta phải đối diện với việc phải lựa chọn giữa sống với nghề hay chấp nhận từ bỏ, nhưng đối với những người làm nghề công tác xã hội, ngoài ý trí, bản lĩnh còn cần có một trái tim yêu thương và cái tâm thực sự với nghề.
“Không phải trường hợp nào cũng giống trường hợp nào, khi đến gặp từng gia đình để nắm tình hình, có gia đình vui vẻ chào đón nhưng cũng có những gia đình không hài lòng và không hợp tác vì họ chưa hiểu hết công việc mình làm, cũng như chưa hiểu rằng những trẻ khuyết tật như con của họ cần sự hỗ trợ của xã hội như thế nào”, chị Lê Thị Mỹ Lệ, cán bộ phụ trách gia đình trẻ em phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) bày tỏ.
Còn đối với chị Lê Thị Ngọc Diệp, một cán bộ phụ trách mảng gia đình – trẻ em thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang vẫn còn nhớ như in hoàn cảnh của em T.T.H.D, với căn bệnh ung thư máu hành hạ em suốt 13 năm trời. Không ngại khó, ngại khổ chị Diệp chạy đôn chạy đáo tìm kiếm, liên hệ với các nhà hảo tâm để xin hỗ trợ số tiền 54 triệu đồng để em D có điều kiện chống chọi, chữa trị bệnh tật.
“Trung thực, trách nhiệm và quan trọng là có cái tâm với việc mình đang làm thì không có việc gì là không thể cả. Đấy cũng chính là điều mà một nhân viên công tác xã hội như tôi luôn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu để có nhiều hơn nữa những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình được giúp đỡ”, chị Diệp bày tỏ.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng cho biết, ngoài hơn 10 cán bộ, nhân viên Trung tâm, hiện Đà Nẵng có gần 200 cộng tác viên ở các xã, phường, quận, huyện chủ yếu là các cán bộ ngành LĐ-TB&XH, y tế, giáo dục tại cộng đồng. Đa số làm nghề với lòng nhiệt huyết và mong muốn được giúp đỡ những số phận kém may mắn chứ không có thù lao. “Cần có sự hỗ trợ đối với những cộng tác viên nghề công tác xã hội, có như vậy mạng lưới trợ giúp những đối tượng yếu thế tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, chính sách của Nhà nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả, rộng khắp hơn...”, bà Hoa cho biết.