Bà Phạm Thị Tuyết, Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, cho biết: “Việc lựa chọn những bộ phim tài liệu Việt Nam tham dự Liên hoan sẽ tập trung vào những tác phẩm đã được mời tham dự các liên hoan quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá cao. Các bộ phim thể hiện nhiều chủ đề khác nhau, có liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước.
Phần lớn những bộ phim này từng giành giải tại các liên hoan phim quốc tế, với cái nhìn trung thực về thế giới, sẽ mang đến những nhận định mới về cuộc sống hàng ngày, những đổi thay của xã hội cũng như các giá trị văn hóa của các quốc gia có phim tham dự. Liên hoan là cơ hội để điện ảnh tài liệu Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà làm phim nổi tiếng thế giới”.
Cảnh trong phim “Giọt nước giữa đại dương”.
Được biết, với 10 bộ phim tài liệu Việt Nam tham dự Liên hoan, nếu như phim “Chốn quê” giới thiệu các vấn đề của nông thôn và đời sống văn hoá, vật chất của người nông dân trong thời kinh tế thị trường, thì “Sông Hồng 12 khúc” tập trung mô tả đời sống văn hóa tinh thần người Việt trải dọc suốt từ đầu nguồn tới hạ nguồn sông Hồng.
Các mối quan tâm và các vấn đề của người nông dân cũng được nêu bật trong “Nghèo đa chiều ở Đồng Mậm” - cái nhìn toàn cảnh về công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. “Giọt nước giữa đại dương” kể về cuộc đời và sự nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với lời kể của cô giáo miền xuôi nhận nhiệm vụ lên miền núi dạy học, “Gieo chữ trên mây” phản ánh cuộc sống vất vả của học sinh vùng cao. “Trường Sa Việt Nam” mang đến cho khán giả cái nhìn khái quát về sự hình thành quần đảo Trường Sa trong lịch sử phát triển của đất nước, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng cũng như quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo - phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc...
Đặc biệt, bộ phim “Còn lại với thời gian” của đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Lê Hồng Chương, sẽ cùng với bộ phim “Giai điệu quê hương” của CHLB Đức chiếu khai mạc Liên hoan phim. Đây là câu chuyện về những người con miền Bắc vào Nam chiến đấu, khi hy sinh, tài sản họ để lại là những dòng nhật ký và những lá thư, mà ở trong đó toát lên vẻ đẹp bình dị nhưng anh hùng. Chính điều đó đã và sẽ sống mãi với thời gian. Bộ phim đã giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 51- 2006 và giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005.
8 nước châu Âu và Israel mang đến Liên hoan những bộ phim kể về những câu chuyện của đất nước họ. Trong đó, phim “Họp lớp”, đạo diễn Thụy Điển Anna Odell, đưa người xem tới một buổi họp mặt nghiệt ngã của những người bạn năm xưa học chung một lớp. Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bị bắt nạt thuở còn đi học của chính Odell, bộ phim tài liệu bán tự truyện tiết lộ sự phức tạp của sức mạnh và sự loại bỏ.
Cảnh trong phim “Còn lại với thời gian”.
Bộ phim Pháp “Lớp học đa quốc gia” khám phá tình trạng của trẻ nhập cư trong độ tuổi 11 - 15 đến từ Serbia, Brazil, Tunisia, Trung Quốc và Senegal trong một lớp học hội nhập, nơi bọn trẻ cùng nhau học tiếng Pháp. Phim “Đứa con ngoan” của đạo diễn người Israel, Shirly Berkovitzis, là một câu chuyện đáng kinh ngạc về một chàng trai Israel 22 tuổi bí mật tiết kiệm tiền để đi chuyển đổi giới tính tại Thái Lan. Berkovitz cũng sẽ có mặt để giới thiệu về bộ phim tài liệu hấp dẫn này.
Ba Lan mang tới bộ phim được đề cử giải Oscar năm 2014 “Lời nguyền của chúng tôi”, câu chuyện về cuộc đời của cặp cha mẹ đang vật lộn tìm cách làm quen với tình trạng bệnh hiếm của đứa con trai Leo mới chào đời. Bộ phim “Bản đồ” của Tây Ban Nha lại tường thuật chuyến du hành của nhà làm phim trẻ trên đường đến Ấn Độ để tìm một "bản đồ" mới cho cuộc sống.
Bộ phim “Đại bảo tàng” của Áo là cái nhìn tò mò, dí dỏm và hài hước phía sau hậu trường của một tổ chức văn hóa nổi tiếng thế giới, Bảo tàng Kunsthistorisches tại Vienna...
Trong dịp này, một số nhà làm phim nổi tiếng thế giới cũng sẽ đến Việt Nam theo lời mời của Viện Goethe để giới thiệu phim của họ và thảo luận, giao lưu với khán giả.