Trong 6 tháng vừa qua, ngành điện ảnh đã xây dựng đề án “Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kịch bản phim, phân loại phim; lệ phí cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim; lệ phí cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam; lệ phí cấp và dán nhãn kiểm soát băng, đĩa hình có chương trình”; Xây dựng đề án: “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin lĩnh vực điện ảnh”... Cục đã duyệt hòa âm phim “Cao hơn bầu trời” từ tập 1 đến tập 50; Chỉ đạo Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam triển khai thực hiện dự án phim dài tập đặt hàng “Ý chí độc lập” về đề tài cách mạng; thẩm định 24 kịch bản phim các thể loại; tổ chức thẩm định 130 phim truyện điện ảnh chiếu rạp; cho phép phổ biến 20 phim truyện Việt Nam, 95 phim truyện nước ngoài; cấp 60.320 tem nhãn quản lý đĩa hình cho các đơn vị sản xuất phát hành phim...
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành điện ảnh cũng gặp không ít khó khăn như: Chất lượng kịch bản phim truyện trình thẩm định chưa tốt, kịch bản chưa phù hợp tiêu chí đặt hàng; các kịch bản phim tài liệu, khoa học cơ bản chưa có tính phát hiện, chưa đáp ứng được tình hình thời sự xã hội, hoặc không phát huy được vai trò mũi nhọn của phim tài liệu, hoặc ngôn ngữ điện ảnh tài liệu đang đổi mới. Nguồn kinh phí trợ giá phát hành và phổ biến phim năm 2016 chưa được phân bổ gây nhiều khó khăn cho Cục Điện ảnh trong việc triển khai hoạt động sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức tuần phim kỷ niệm các ngày lễ lớn, và công tác chiếu bóng lưu động; chính sách thuế áp cho ngành điện ảnh còn cao, chưa có đặc thù riêng… Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, chất lượng kịch bản không tốt là vấn đề đáng lo ngại. Nếu cứ đà này, khi có tiền làm phim thì cũng chưa chắc có được kịch bản hay để làm. Đặc biệt, năm nay do chưa có thông tư đấu thầu nên Bộ Tài chính tiếp tục không cấp tiền làm phim.
Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia, một tuần có từ 4 - 6 phim nước ngoài vào rạp của Trung tâm, vậy làm cách nào để phim nội không bị lấn át bởi phim ngoại, phát triển được điện ảnh trong nước? “Chỉ còn cách mở rộng các cơ sở chiếu phim, tăng cường sản xuất phim. Nhưng bao năm nay, không có ưu đãi nào về thuế cho điện ảnh, cho mảng văn hóa nghệ thuật mà cứ tính đúng, tính đủ. Chúng ta phải có cơ chế ưu đãi cho các cơ sở chiếu phim để phát hành phim Việt. Đây là vấn đề lớn, để phát triển nội lực của ngành” - ông Nguyễn Danh Dương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết, trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi ngành điện ảnh có tác phẩm đỉnh cao trong 6 tháng tới là nhiệm vụ bất khả thi. “Cái khó nhất là ngân hàng kịch bản. Kịch bản là yếu tố đầu tiên, có kịch bản mới làm được việc khác”. Để gỡ khó cho các đơn vị, Thứ trưởng Vương Duy Biên yêu cầu: “Trong thời gian tới, Vụ Kế hoạch Tài chính làm báo cáo và tổ chức cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ VH-TT&DL với Bộ Tài chính về vấn đề kinh phí, thuế... đối với lĩnh vực điện ảnh để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Cục Điện ảnh cũng tập hợp những ý kiến của các đơn vị điện ảnh, nêu những khó khăn, bất cập, những đề xuất, kiến nghị để báo cáo lên Thủ tướng”.
Điện ảnh là một góc văn hóa của nền văn hóa tiên tiến, ghi dấu ấn bản sắc dân tộc. Trong thời gian qua, điện ảnh Việt Nam đã khẳng định mình trong thế giới điện ảnh hiện đại, chúng ta đã có một vài bộ phim đóng góp cho điện ảnh thế giới bằng ngôn ngữ, phong cách điện ảnh Việt Nam về phương diện nghệ thuật và cả nội dung. Tuy những cái làm được còn khiêm tốn so với mong muốn nhưng hy vọng với những nỗ lực và sự chung tay giúp sức của các bộ, ngành, đơn vị, bức tranh điện ảnh sẽ ngày càng tươi sáng, xứng đáng với sứ mệnh văn hóa, để người Việt Nam tìm thấy mình ở đó và những ai muốn biết đến người Việt Nam, văn hóa Việt Nam hãy nhìn qua lăng kính điện ảnh.