Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Điện Biên: Hỗ trợ kịp thời nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS giải quyết khó khăn về vốn

Thời gian qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã hỗ trợ kịp thời nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, rà soát trước khi giải ngân, nguồn vốn luôn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy có hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, đã giúp cho nhiều người nghèo, vươn lên thoát được nghèo bền vững và làm giàu trên chính quê hương mình.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có 1.119 lượt hộ dân được vay vốn với số tiền 126,6 tỷ đồng. Thông qua các tổ chức đoàn thể như: hội Nông dân, Cựu chiến binh, Hội LH Phụ nữ, Đoàn thanh niên. Các cán bộ tín dụng của ngân hàng đã cùng các tổ chức chính trị xã hội tại các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn, trình tự, thủ tục để  được vay vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức hội còn tuyên truyền hướng dẫn và tư vấn cho các hội viên của mình sử dụng vốn vay đúng mục đích đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế nhất là các mô hình tại hộ gia đình. Nhờ quản lý tốt nguồn vốn, cho vay vốn đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, nên chất lượng tín dụng đã được nâng nên. Những hộ dân được hưởng lợi từ các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng đã tích cực đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn nên thoát nghèo bền vững. Chính  từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Dự ước trong năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm gần 8%.

Để đạt được kết quả trên, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền,  mở các lớp tập huấn quản lý vốn cho hội viên là các tổ trưởng Tổ vay vốn của các  tổ chức chính trị xã hội, để cho các  tổ trưởng hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi và sử dụng vốn vay có hiệu quả, từ đó giúp cho các tổ trưởng có thêm kiến thức, kỹ năng trong triển khai công tác tại cơ sở. Đồng thời cử cán bộ đến các điểm giao dịch tại các xã theo lịch mỗi tháng một lần để  triển khai các hoạt động tín dụng và tuyên truyền, giải thích rõ cho Nhân dân, những chủ chương chính sách mới về vốn vay ưu đãi, hoặc là giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chế độ phát sinh trong quá trình giải ngân. 

Tổ Tiết kiệm và vay vốn  bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) họp bình xét vay vốn

Tổ Tiết kiệm và vay vốn bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) họp bình xét vay vốn

Xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm "cần câu" để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Đồng thời, phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến xã, thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Cán bộ phòng giao dịch cũng chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết, Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất của Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên trong thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đến nay, đã có gần 3200 mô hình, dự án với gần 3200 lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Qua đó tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời đã tiếp động lực cho nhiều cá nhân, hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đã hình thành; các làng nghề truyền thống được khôi phục… góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.