Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Điện Biên: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

(Dân sinh) - Là tỉnh miền núi có nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, chính vì vậy, những năm qua công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn là yêu cầu, nhiệm vụ được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Điện Biện cho biết: "Với đặc thù là tỉnh có nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh như: Xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện…với nhiều ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp…

Điện Biên: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên ra quân hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

Vì thế trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ đã gặp không ít khó khăn do: Phần lớn các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn là DN vừa và nhỏ. Trong số đó còn có những DN chạy theo lợi nhuận mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ, chế độ, quyền lợi của người lao động(NLĐ) như: Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ động và khám sức khỏe cho NLĐ;  chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân kiểm định máy, thiết bị an toàn còn chưa nghiêm ngặt…nên TNLĐ vẫn thường xuyên xảy ra".

Số liệu thống kê năm 2019, tỉnh Điện Biện xảy ra 53 vụ TNLĐ làm chết 18 người (trong đó khu vực có quan hệ lao động xảy ra 2 vụ làm chết 1 người, khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 51 vụ làm chết 17 người), tổng chi phí thiệt hại do TNLĐ gần 2 tỷ đồng. Tỷ lệ các vụ TNLĐ xảy ra cao nhất thuộc các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, thủy điện và sản xuất nông nghiệp.

Điện Biên: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 2.

UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ

Nguyên nhân số vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn xảy ra cao, là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, NLĐ và nhân dân có nơi, có lúc chưa nghiêm, trong lao động còn vi phạm các quy trình quy phạm, biện pháp ATVSLĐ. Một số công ty, DN chưa xây dựng, chưa ban hành kế hoạch công tác ATLĐ của đơn vị mình, chưa bố trí về nguồn lực, nhân lực để triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ. Cán bộ, NLĐ làm việc thiếu trang thiết bị phòng vệ cho bản thân, chủ DN và cán bộ của DN chưa được đi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nên thiếu các biện pháp đảm bảo công tác ATVSLĐ tại đơn vị.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc chấp hành các quy trình, quy phạm về ATVSLĐ trong đơn vị…

Trước thực trạng trên, để giảm thiểu số vụ TNLĐ và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo VSATLĐ. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo các cấp các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các DN thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện về công tác quản lý ATVSLĐ, các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động và giám sát môi trường lao động… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm luật VSATLĐ…nên công tác đảm bảo ATVSLÐ đã có sự chuyển biến tích cực, số vụ TNLĐ 10 tháng đầu năm 2020 đã giảm so với năm 2019.

Điện Biên: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 3.

Khai thác đá ở tỉnh Điện Biên tiềm ẩn nguy cơ tai TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cao.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác ATVSLĐ.  Nhưng trên thực tế cho thấy công tác đảm bảo VSATLĐ trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn bộc lộ những hạn chế yếu kém, vẫn còn có những doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện đầy đủ công tác ATVSLĐ, người sử dụng lao động và người lao động nhận thức về tầm quan trọng cũng như mục đích, ý nghĩa của việc đảm bảo ATVSLÐ còn hạn chế…nên số vụ TNLĐ vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nghề lĩnh vực khác nhau.

Để công tác ATVSLĐ trong thời gian tới đạt kết quả tốt, giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ xảy ra. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Điện Biện đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể, các đơn vị, DN cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ. Tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ về chính sách lao động, ATVSLĐ; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác ATVSLĐ tại DN, cơ sở sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, phong trào thi đua "xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ" trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. Khen thưởng kịp thời cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ -  phòng chống cháy nổ; đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Điện Biên: Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động - Ảnh 4.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Người lao động ở Công ty CP Xi măng Điện Biên đã ý thức và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; triển khai đầy đủ, kịp thời Luật ATVSLĐ đến các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và cả NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về ATVSLĐ đối với cán bộ, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và NLĐ trong các DN, đặc biệt là đối với những DN mới được thành lập. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị tăng cường công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ; cải thiện môi trường, điều kiện lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng cho NLĐ, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tại mỗi đơn vị, doanh nghiệp".