Đền Trang mới được phục dựng lại khang trang.
Tại xã Diễn Kim, từ xa xưa có ba ngôi đền là đền Cá Ông, thờ thần cá voi mong đi biển bình an may mắn, thuộc xóm Thu Thành, đền Cả thuộc xóm Đại Thành, thờ Ngài bản thổ linh quan và đền Trang thuộc xóm Hoàng Châu.
Thời gian trôi qua, do nhiều lí do khác nhau như gió bão, tiêu thổ kháng chiến, bom đạn chiến tranh… Những ngôi đền này đã trở thành phế tích. Tại đền Cả, chỉ còn lại hai bia đá, khắc bằng chữ hán nôm. Các nhà nghiên cứu dịch ra thì được biết hai bia đá này chỉ khắc tên những người có công xây dựng đền mà thôi. Tại đền Trang, ngoài nền đất cũ chỉ còn lại một cái giếng nước, còn tại đền Cá Ông thì không còn lại gì ngoài nền đất cũ.
Đền Trang đóng cửa im ỉm, không khói hương vì rất ít người viếng thăm.
Riêng đền Trang, tọa lạc tại xóm Hoàng Châu, cạnh UBND xã Diễn Kim, nhìn bề ngoài đền Trang không toát lên vẻ cổ kính, trầm mặc như nhiều ngôi đền khác mà ánh lên màu vàng rực dưới ánh mặt trời buổi sáng. Bởi đền được phục dựng (thật ra là xây mới trên nền đất cũ). Bao quanh đền là vườn cỏ dại tốt ngang đầu gối. Do nằm sát trục đường chính của xã nên khu vực trước cổng đền cũng là nơi vui chơi của đám trẻ nơi đây. Khi được hỏi về gốc tích của ngôi đền, một người cao tuổi ở xã Diễn Kim, cho biết: “Trong những năm 60 của thế kỷ trước, đền Trang nhiều người đến lắm, tuy nhiên sau đó bị bom đánh sập, sau này trong đền chỉ giếng nước là còn nguyên. Thỉnh thoảng ngày rằm hay mồng một người ta vẫn đến thắp hương cho vị thần nào đó mà không ai biết cả”.
Nhiều năm gần đây, con em xã Diễn Kim, công tác ở nhiều địa phương trên cả nước, cũng đã nhiều lần nghiên cứu, tìm đến các nhà khoa học và các cơ quan có chuyên môn tìm hiểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa biết được đền chính thức thờ ai.
Người dân rất ít viếng thăm vì họ không biết cụ thể đền thờ ai.
Bà Cao Thị Hương, nhà ở xóm Hoàng Châu, về nghỉ hưu bà bán tạp hóa gần đền. Sau khi đền được phục dựng, bà Hương vui mừng vì từ đây bà có thêm một nguồn thu đáng kể từ kinh doanh thêm hương hoa, hàng mã. Thế nhưng đền Trang ngày càng ít người đến dâng hương khiến cho hi vọng của bà ngày càng vơi đi. Bà Hương chia sẻ: “Hồi thì nói thờ ông này, hồi thì nói thờ ông kia rồi người đến thắp hương cũng ít chỉ có một số người ở gần đền đến thắp cầu may thôi. Trước đây nghe nói thờ ông Đào Lôi, nhưng sau nầy, mời người Hà Nội và Hải Phòng về xác định họ nói không phải, vì ông ấy không đi qua đây. Giờ chỉ mong các nhà nghiên cứu, nghiên cứu cho rõ ràng để bà con khỏi băn khoăn khi đến thắp hương tại đền”.
Một người đàn ông Tên Hải, buồn bã, cho biết: “Khi vận động thì dân chúng tôi cũng đồng ý và góp tiền, nhà ít thì trăm ngàn, nhà nhiều thì dăm ba trăm. Nhưng giờ xây xong không biết thờ ai. Người thì nói thờ người này, người thì nói thờ người kia. Chúng tôi không biết nghe ai. Đền được người dân biết đến từ trước đến nay là rất thiêng, nhưng giờ nói không biết thờ ai, dân cũng có gì đó lo lắng, không yên tâm…”.
Qua tìm hiểu, được biết tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, trước đây có 3 ngôi đền từng được xây dựng và phụng thờ từ mấy trăm năm trước. Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1945, vì nhiều nguyên nhân,tất cả những ngôi đền ấy đã bị phá hủy, đền Trang là một trong 3 ngôi đền đó. Sau khi những ngôi đền bị phá hủy, người ta giữ lại được 18 đạo sắc phong. Đạo sắc cổ nhất là đời Lê Cảnh Hưng năm 28 (tức 1767), đạo sắc gần đây nhất là đời Nguyễn Khải Định năm thứ 9 (tức 1924), trong đó sắc phong cho 3 vị thần, gồm: Bản Thổ Linh Quan, Đại Vương Đô Thái Úy Thành Quốc Công và Đông Hải Thái Thú Đại Ngư Ông. Năm 2014, UBND xã Diễn Kim đã vận động quyên góp được hơn 600 triệu đồng để phục dựng lại đền Trang trên khuôn viên 1500 mét vuông. Tuy nhiên sau khi xây xong, con em xã Diến Kim đã thuê dịch 18 đạo sắc phong trên, nhưng rất khó hiểu vì 18 đạo sắc phong này là sắc phong cho cả ba ngôi đền. Thế nên cho đến giờ vẫn chưa biết thờ ai.
Khảo sát của Ban quản lý Di tích- Danh thắng.
Ông Phạm Xuân Bang, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cho biết: “Địa phương đã đặt vấn đề này với con, em xa quê ở Hà Nội nhờ Viện nghiên cứu Hán Nôm nghiên cứu 18 sắc phong tại đền cho nên thờ cúng cũng trên cơ sở nội dung các sắc phong này. Những chuyên gia ngành Hán Nôm học đều nói chưa đủ điều kiện để tổ chức hội thảo cho nên trước mắt chúng tôi cứ tiến hành cúng tế theo 18 sắc phong này. Bây giờ tên tuổi của ngài để thờ ở trong đền thì chưa ai biết cụ thể là thờ ai”.
Đặc biệt khi hỏi về thiết kế phục dựng đền Trang, thì lãnh đạo xã cũng như phòng Văn Hóa và thông tin, đều không biết.
Được biết, Diễn Kim là xã vùng bãi ngang ven biển của huyện Diễn Châu, kinh tế của người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất muối và đi biển, chính vì thế bà con rất tha thiết được biết chính xác đền thờ ai, để cầu cúng.
Ông Đào Hồng Thanh, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Diễn Châu, cho biết: “Trong danh mục quản lí di tích, danh thắng của phòng thì không có tên đền Trang. Tôi cũng mới chuyển về phòng, nên cũng chưa nắm được nhiều, nhưng trong tờ trình của xã Diễn Kim xin phục dựng và khảo sát của Ban quản lí Di tích- Danh thắng thuộc sở Văn hóa thể thao thì nói đền thờ ông Đào Văn Lôi. Việc dân không biết thờ ai, hay không tin thờ ông Đào Văn Lôi, thì chúng tôi cũng đang rất mong có một cuộc hội thảo khoa học để xác định chính xác là đền thờ ai”.
Hiện nay nhân dân ở xã Diễn Kim và nhiều xã lân cận thỉnh thoảng vẫn đến thắp hương cầu cúng. Nhiều người dân từ lâu không đến đền nhiều lúc có chuyện chẳng lành trong gia đình hay gia đình chuẩn bị có việc lớn cũng muốn đến đền để cầu xin, nhưng việc không biết đền thờ ai cũng là một băn khăn rất lớn. Rất mong các cơ quan chức năng và địa phương xã Diễn Kim, sớm có các nghiên cứu khoa học cụ thể để trả lời cho người dân.