Các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đồng chủ trì diễn đàn.
Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng gần 60 Tổng Biên tập, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước. Phó tổng biên tập báo Lao động và Xã hội Nguyễn Thu Hằng tham dự diễn đàn.
Phát biểu chào mừng diễn đàn, Bí thư tỉnh Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng đã giới thiệu khái quát về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua. Đồng thời khẳng định, những thành tựu đạt được là rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu đến năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định.
Đề cập về nội dung của Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, lĩnh vực, báo chí đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển. Tận dụng lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chóng xây dựng được tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Nhiều sản phẩm báo chí chất lượng cao, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đã tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho đông đảo công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép canh tranh thông tin từ truyền thông xã hội đã tạo ra thách thức cho những người làm báo; báo chí đang phải đối diện với những thách thức gay gắt trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề: “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?” tại Diễn đàn Tổng Biên tập lần này. Đồng thời bày tỏ tin tưởng các Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí và đại biểu sẽ thảo luận, đưa ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp để công cuộc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí thành công, giúp báo chí tiếp tục phát triển hơn nữa. Đây là một diễn đàn hết sức quan trọng và ý nghĩa, không chỉ với các cơ quan báo chí mà còn đối với tỉnh Thanh Hoá. Mong rằng sau diễn đàn này, chuyển đổi số là tất yếu, là đa phương tiện để phát triển trên mọi nền tảng. Thanh Hoá là một tỉnh đang trên đường phát triển mạnh mẽ so với các tỉnh trong cả nước, Diễn đàn lần này được tổ chức tại Thanh Hoá cũng là một cơ hội lớn cho Thanh Hoá về chuyển đổi số.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn các Tổng Biên tập, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã luôn quan tâm, ủng hộ sự phát triển của tỉnh. Đồng chí mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa của các cơ quan báo chí, để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước.
Thực trạng và xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Một số cơ quan đã tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng một số cơ quan chưa có được những thành công trong việc chuyển đổi số so với sự phát triển chung của xã hội”.
Trong bài tham luận của mình về thực trạng chuyển đổi số báo chí Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet cho biết: “Vào năm 2018, báo điện tử VietNamNet được Bộ Trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Mạnh Hùng giao nhiệm vụ trở thành một cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số”. Ông Tuấn thừa nhận lúc đó VietNamNet chưa biết cơ quan này bắt đầu từ đâu trong quá trình chuyển đổi số. “Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây chính là lợi thế và đưa ra một gợi ý về việc kết hợp với một công ty công nghệ, vì khi đó cơ quan báo chí sẽ có trong tay một công ty công nghệ tiên tiến”.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, sự khởi đầu cũng rất khó khăn vì công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung. Do tại Việt Nam, các công ty công nghệ chuyên sâu về lĩnh vực báo chí vẫn không nhiều. Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi”, song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là rất phức tạp và đắt đỏ. "Chuyển đối số là còn đường không thể khác để phát triển báo chí dù gặp nhiều khó khăn", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh,
Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, việc kết hợp giữa báo chí và công nghệ được xem như một xu hướng chung của thế giới, theo mô hình Media-Tech hay Tech-Media. Khi mà các tờ báo trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư về mặt công nghệ (Media-Tech), còn các mạng xã hội mạnh về công nghệ lại đang đầu tư về mặt nội dung (Tech-Media). Ông Lê Quốc Minh thừa nhận tài chính đúng là một vấn đề của hầu hết cơ quan báo chí do việc đầu tư vào công nghệ và phần mềm kỹ thuật số báo chí là rất đắt đỏ, cũng như không dễ tuyển dụng các lập trình viên cao cấp hay hợp tác với các công ty công nghệ.
Ông Lê Quốc Minh cũng đưa ra một gợi ý khá thú vị về việc giải quyết vấn đề này. Đó là việc thay vì kết hợp với các công ty công nghệ lớn vốn đắt đỏ, thậm chí không mặn mà hợp tác với báo chí, thì các cơ quan báo chí có thể tìm kiếm các đối tác nhỏ, thậm chí các nhóm sinh viên công nghệ để tìm ra những giải pháp ấn tượng. “Đôi khi chúng ta tìm ra các đối tác vừa phải nhưng lại đem lại những kết quả hiệu quả, thay vì các đối tác lớn và có nhiều kinh nghiệm”, ông Minh chia sẻ.
Chuyển đổi số cần phát triển nền tảng, tăng độ phủ
Đưa ra những kiến nghị, giải pháp, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt. Trong đó, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá chuyển đổi số có thực sự là xu thế tất yếu, chìa khóa phát triển, là con đường bắt buộc mà báo chí Việt Nam phải đi để đảm bảo sự sống còn? Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam đã, đang diễn ra như thế nào, trên những bình diện gì. Chuyển đổi số có là câu chuyện phù hợp với số đông các cơ quan báo chí hay chỉ dành cho các cơ quan báo chí có tiềm lực tài chính mạnh?.
Chuyển đổi số cũng đang nhận được sự quan tâm ngay cả của các tạp chí hay các ấn phẩm chuyên ngành, chứ không chỉ dành cho các cơ quan báo chí lớn. Phát biểu về vấn đề này tại diễn đàn, ông Vũ Tuấn Anh, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Pháp lý kể về việc một công ty công nghệ truyền thông rất nổi tiếng của Úc muốn hợp tác với cơ quan báo chí cũ của ông để thúc đẩy thị trường chuyển đổi số tại Việt Nam. Tập đoàn này thậm chí còn đưa ra lời đề nghị xây dựng miễn phí một công nghệ chuyển đổi số CMS cho tạp chí của ông. Với công nghệ mới, một tin bài có thể được triển khai dễ dàng ở các nền tảng khác nhau, từ cái bài báo truyền thống, đến các tin bài đa phương tiện như Media hay Podcast.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, phần mềm kỹ thuật số của công ty Úc là rất hiện đại và tiện lợi. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, thì lại gặp rất nhiều vấn đề, do mọi nhân sự tham gia vào việc xuất bản tin tức đều cần có một kiến thức cơ bản về từng quy trình xuất bản, từ viết bài, biên tập cho đến kỹ thuật, mới có thể sử dụng và đặc biệt khai thác hết được tính năng của phần mềm. “Vấn đề được đặt ra là các cơ quan báo chí cần phải thay đổi cả về công nghệ cũng như cả tư duy làm việc khi áp dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số mới”. Theo ông, đây dường như là một vấn đề chưa thực sự phù hợp với báo chí tại Việt Nam, đặc biệt về việc đảm bảo khâu kiểm duyệt để phù hợp với yếu tố chính trị và tôn chỉ mục đích.
Về vấn đề này, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, các hệ thống CMS của các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới là rất ấn tượng sau những trải nghiệm của riêng minh. Ông nêu ra một ví dụ rằng, với các nền tảng CMS hiện đại, các biên tập viên có thể làm việc ngay khi phóng viên đang viết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc mua lại các công nghệ CMS hàng đầu là rất đắt đỏ, ngoài khả năng của phần lớn các cơ quan báo chí của Việt Nam. Thậm chí nếu không tận dụng được, đây còn được xem như một sự lãng phí. “Mua công nghệ tốt rồi mà không biết sử dụng thì cũng không giải quyết được việc gì”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Như ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nói rằng “chuyển đổi số không chỉ là mua máy tính”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cũng khẳng định chuyển đổi số không chỉ là phải đầu tư thật nhiều vào cơ sở vật chất. Điều quan trọng là cần phải linh hoạt trong việc phát hành các sản phẩm báo chí phù hơp với điều kiện thực tế, để giành được thật nhiều độc giả. Ông ví von rằng: “Bắn chim sẻ không cần đến súng tiểu liên”. Ngoài ra, theo ông chúng ta không nên đánh đổi quá nhiều chỉ để giành được những lợi ích không tương xứng trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề của chuyển đổi số không chỉ là “chuyển đổi công nghệ, mà còn cần phải chuyển đổi cả tư duy”.
Thảo luận tại diễn đàn, Tổng Biên tập các cơ quan báo chí và các đại biểu đã tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến để làm rõ thực trạng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam; việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí trên thế giới; nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số qua thực tế một số cơ quan báo chí. Từ đó khẳng định chuyển đổi số thực sự là xu thế tất yếu, chìa khóa phát triển, là con đường bắt buộc mà báo chí phải đi để đảm bảo sự sống còn, đảm bảo vai trò chủ đạo trong bối cảnh thông tin hiện nay…
Bên cạnh đó, nhiều Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, phương thức chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn; đề ra một số giải pháp thực hiện tốt công tác chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, trong đó việc thay đổi tư duy và nhận thức của Ban Biên tập, Tổng Biên tập đóng vai trò quyết định. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số…
Kết luận Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã làm rõ thêm một số vấn đề mà lãnh đạo các cơ quan báo chí và đại biểu quan tâm. Đồng chí cũng cảm ơn lãnh đạo các cơ quan báo chí và đại biểu đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về những kinh nghiệm, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí tại diễn đàn. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí đã thành công với chuyển đổi số tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, phương thức tiến hành cho các cơ quan báo chí khác. Cùng với đó, bên cạnh làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, các cơ quan báo chí cần làm tốt vai trò truyền bá tri thức cho độc giả, trong bối cảnh tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, làm tròn trách nhiệm xã hội của mình.