Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn
Vậy hãy xem quá trình lịch sử của Điện lực Việt Nam.
Tôi thử hình dung cái ngọn đèn điện đang sáng, cái máy lạnh đang êm ro kia, ti vi đang tường thuật một sự kiện quan trọng, máy tính mình đang viết, xem điện cấp để hoạt động, có lịch sử từ bao giờ và như thế nào, trên đất nước này?
Điện bắt đầu được dùng ở Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 19. Dấu ấn đầu tiên của sản xuất điện lớn là Nhà máy điện Cửa Cấm ở Hải Phòng được xây dựng quãng cuối những năm 1870, hoàn thành 1892. Đây chính là nhà máy điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, sau đó đến các Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Chợ Quán, Nhà máy điện Vinh... Các nhà máy này cũng là cái nôi của phong trào cách mạng, gắn với những tên tuổi như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện... Họ là những công nhân các nhà máy điện: Vinh, Chợ Quán, Hải Phòng, Yên Phụ...
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ thành lập, hoạt động dưới ánh đèn điện không lâu đã phải rút lên Việt Bắc, nương bóng rừng già, kháng chiến một mạch chín năm mới lại trở về giải phóng Thủ đô, 10/10/1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu sâu sắc triết lý của Lê Nin: "Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hoá toàn quốc", nên rất sớm trong những ngày mới trở về Hà Nội, ngày 21/12/1954, Người đến thăm, làm việc và động viên công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Hà Nội. Người dặn công nhân và cán bộ: Nhà máy này, ánh sáng này đã thuộc về ta, ta đã là người làm chủ thì phải hết sức gìn giữ và phát triển. Bảy tháng sau, ngày 21/7/1955, một cơ quan quản lý thống nhất về điện lực quốc gia được thành lập là Cục Điện lực và cũng bắt đầu một quá trình liên tục mở mang phát triển mạng lưới phát điện và cấp điện, từ Thủ đô cho đến các tỉnh thành trên miền Bắc. Một loạt nhà máy điện được nâng cấp, được xây mới, công suất còn khiêm tốn, chỉ từ 6 - 8 Megas Oat (MW) ở Vinh, Thanh Hoá, Lào Cai...
Trạm biến áp chuẩn bị đóng điện ra đảo Phú Quốc.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ bắt đầu căng thẳng, miền Bắc càng đẩy mạnh phát triển. Năm 1961-1963, Nhà máy điện Uông Bí quy mô gấp nhiều lần các nhà máy trước đây, được xây dựng, công suất ban đầu là 48, sau nâng lên 300 MW. Cũng trong cao điểm chiến tranh, từ 8/1964, Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà được khởi công, 103 MW, vừa chiến đấu vừa xây, hoàn thành từng đợt, đến năm 1971-1973 mới xong.
Sau chiến tranh, 3/1979, Thuỷ điện Hoà Bình khởi công, công suất như mơ, tới hơn 1900 MW, 8 tổ máy, phải 15 năm mới khánh thành. Song song, năm 1980, xây nhà máy nhiệt điện Phả Lại lớn nhất miền Bắc (440 MW) để nhanh phục vụ nhu cầu tái thiết đất nước. Khi Hoà Bình xây xong, điện sẽ thừa, Phả Lại sẽ phải giảm công suất, trong khi miền Nam thiếu điện. Dự tính điều này, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam dài 1487 Km xây dựng trong 2 năm để đón đầu. Năm 1994, khánh thành Hoà Bình thì cũng xong cao áp Bắc - Nam. Phả Lại không thừa điện, còn tiếp tục mở rộng xây thêm Phả Lại 2 (600 MW) nữa...
Bao nhiêu điện cũng là chưa đủ cho nhu cầu tăng tốc nền kinh tế. Năm 2005, Trung tâm điện lực Phú Mỹ ở miền Nam với 8 nhà máy, công suất gấp 2 lần Hoà Bình (3859 MW) khánh thành... Năm 2012, Thuỷ điện Sơn La, lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (2400 MW) khánh thành trước thời hạn 3 năm...
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năng lượng điện là một sản phẩm không thể thiếu để đất nước phát triển.
Không thể kể hết các nhà máy điện đã xây và còn đang xây...
Đến bây giờ, Việt Nam đã có đủ các loại nguồn điện: Nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu; Thuỷ điện; Điện tái tạo (phong điện, điện mặt trời)... Sắp tới còn có cả điện nguyên tử.
Hiện nay, chúng ta đã có nguồn điện tới 32.000 MW (EVN sở hữu 23.000 MW), sản lượng điện khoảng 155 tỷ kWh, dự kiến năm 2020, con số này là 300-330 tỷ.
Nguồn công suất phát điện Việt Nam, so với cách đây hơn 10 năm (2003), tăng gấp 110 lần, xếp thứ 3 trong Đông Nam Á, xếp thứ 31 thế giới về quy mô...
Và không chỉ có các con số.
Tôi bay đêm trên thế giới, khi về tới vùng trời nước mình, một dải đất hình chữ S sáng lên một vừng sáng điện nồng nàn. Hạ cánh, điện nhiều màu sắc đại lộ Thăng Long - Nội Bài, đại lộ Võ Nguyên Giáp, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân đón tôi...
Điện trong câu hát một thời khói lửa, khi bom vừa rơi và khói bay trong nắng, anh công nhân điện vẫn sáng trong đêm. Điện góp sức cho Đài TNVN vẫn phát thanh từ Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người. Điện sáng thành phố, sáng Ba Đình, giữ tiếng loa truyền tin thắng trận, tiếng loa báo động, báo yên trước và sau những trận bom, để lòng dân vẫn hướng lên Ba Đình một lòng tin son sắt.
Tôi nhớ Nhà máy điện Ninh Bình phải nép núi Cánh Diều để tránh bom, xây Nhà máy điện Uông Bí, phải bố trí cả trận địa phòng không để bảo vệ.
Tôi nhớ những câu khẩu hiệu một thời: "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", "Đổi dòng máu lấy dòng điện" và 125 liệt sỹ ngành Điện lực đã ngã xuống vì dòng điện...
Tôi biết có công trình điện, như đường dây 500 kV, dựng lên không chỉ bằng mồ hôi, bằng trí lực và tư duy vượt lên thông thường, bằng gian khổ, máu đổ, mà còn bằng cả sinh mệnh chính trị của người đứng đầu Chính phủ và các cộng sự và rất nhiều người làm điện đã ngã xuống như những liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh, tất cả vì dòng điện ngày mai.
Đất nước dài dọc biển, ba phần tư là núi, điện đã vượt bao đèo dốc quanh co để đến những bản làng xa ngái. Điện đã vượt ngầm dưới biển để đến với các hải đảo Cát Bà, Vân Đồn, Cô Tô, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc... Điện đã sáng ở những đảo chìm, đảo nổi Trường Sa.
Điện đã tham gia xoá đói giảm nghèo. Điện góp phần đảm bảo nước cho lúa vụ Đông Xuân và ngăn chặn lũ lụt châu thổ sông Hồng bao đời nay cha ông ta mơ ước trị thuỷ.
Hơn 100 ngàn con người cống hiến trong ngành kinh tế cốt lõi này đang ngày đêm lao động, nhiều người phơi mình trong mưa gió, nơi núi đồi, biển cả, trên không trung, dưới đất ngầm, trong lòng sóng đại dương... để giữ cho dòng điện như những mạch máu của nền kinh tế thông suốt, ngày càng dào dạt, mạnh mẽ...
Điểm lại lịch sử dòng điện Việt Nam chính là một phần lịch sử đất nước, từ trong chiến tranh, rồi hoà bình, đổi mới và trăn trở, sáng tạo để vượt lên, phát triển. Ký ức về dòng điện là ký ức của chúng ta đi qua năm tháng, với bao nhiêu xúc cảm lịch sử.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu
Lịch sử này có anh hùng không? Có, chắc chắn là như vậy! Điện lực Việt Nam có xứng với danh hiệu Anh hùng không? Có, chắc chắn là như vậy! Không những vậy, mà còn rất xứng đáng và phải phong tặng từ lâu rồi, chứ sao bây giờ mới đề nghị?
Nhưng tại sao khi đưa ra lấy ý kiến vào thời điểm này, lại có những phản đối? Và chỉ Điện lực Việt Nam bị phản đối? Thành tích, quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Điện lực Việt Nam so với nhiều đơn vị, nhiều ngành trong danh sách này, thật ấn tượng và thuyết phục, vượt hơn, chứ không hề thua kém.
Chung quy, phản đối tập trung vào ba việc: Điện đang đề nghị tăng giá, gây bức xúc; ngành điện đang kêu lỗ; và gần đây có những sai phạm, cá nhân lãnh đạo bị xử lý.
Kéo cáp điện ngầm ra đảo Lý Sơn.
Điện gắn bó sát sườn đối với mỗi người dân. Tôi là một người dùng điện, như mọi người, tôi không muốn tăng giá, nhất là trước đây tôi đã được dùng gần như miễn phí các dịch vụ thiết thân như đi học thì đóng học phí tượng trưng, chữa bệnh gần như không mất mấy tiền. Vậy tại sao tôi đã chấp nhận đóng học phí rất cao cho con, chấp nhận chữa bệnh nặng là tốn nhiều tiền và hoàn toàn thoải mái khi mua xăng tăng giảm sớm chiều theo giá nhập khẩu? Đó là bởi vì người ta đã chỉ rõ cho tôi cái cơ chế giá mà tôi phải trả ấy. Tôi hiểu rõ cái lý của việc tăng giảm giá các dịch vụ giáo dục, y tế, xăng dầu... Nhà tôi mỗi tháng trả các loại tiền cho di động cao hơn tiền điện và tôi biết điện là từ tài nguyên như xăng, dầu, khí hay thuỷ điện phải đầu tư lớn. Tôi biết sóng điện thoại chủ yếu là công nghệ và cũng từ điện một phần. Đúng ra thì tiền điện phải lớn hơn tiền điện thoại chứ. Mất liên lạc một vài tiếng chẳng sao, còn khối cách liên hệ, nhưng mất điện thì kêu trời. Nhưng cách làm giá điện thì cứ như đánh đố, sao cứ phải vài ba bậc? Sao cứ trái khoáy, càng mua nhiều càng đắt? Mua nhiều cứ như bị phạt vì anh giàu hơn sao? Tôi không thích cách giải thích "Đầu vào là tư bản chủ nghĩa, đầu ra là xã hội chủ nghĩa" của giá điện. Hãy làm sao chỉ một hạch toán thôi, công khai cho tôi biết giá số điện của tôi gồm những gì, tôi có phải chia sẻ những đầu tư để mang điện đến vùng sâu vùng xa hay ngoài hải đảo cho đồng bào của tôi được dùng với giá như tôi trả không? Và các đối tượng an sinh xã hội, khó khăn, cần bù cho họ thì lấy quỹ khác, cũng có thể lấy quỹ như quỹ bình ổn xăng dầu vậy. Nhưng giá trả là như nhau, mua càng nhiều càng rẻ, càng tự hào là đang đóng góp nhiều. Điện sản xuất chưa đủ thì mua và đầu tư sản xuất nữa để bán!
Nói ngành điện đang lỗ. Thực sự lỗ thì không thể tin được. Khách hàng càng ngày càng tăng, nhu cầu càng ngày càng lớn, sao lại lỗ? Có phải lỗ ấy là do tỉ giá? Có phải lỗ ấy là do đầu tư công ích, xoá đói giảm nghèo, đầu tư kéo điện lên núi cao rừng sâu, xuyên ra biển lớn? Câu trả lời là không khó!
Rồi một số khuyết điểm, yếu kém thể hiện ở một số cá nhân thời gian gần đây? Thì đã được xử lý, cũng không đến mức như là tội phạm. Và đó chỉ là số ít, rất ít so với đội ngũ hơn 100 ngàn con người đang ngày đêm cống hiến kia!
Những bức xúc sẽ trở nên nhỏ nhoi nếu được công khai, được xử lý truyền thông tốt cho người dân, sẽ không làm ảnh hưởng, sẽ không che mờ được một quá trình đóng góp hào hùng cho đất nước, sẽ không ngăn được một chiều kích phát triển cho hôm nay và mai sau!
Tôi bỏ phiếu phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ngành điện Việt Nam! Và tôi cũng mong được hiểu thật thấu đáo với tình cảm biết ơn dòng điện đang làm sáng ánh đèn và tạo sức sống cho các vật dụng quanh tôi để tôi làm việc và cống hiến!
Lắp đặt công tơ trên đảo Phú Quốc.
Năm 1995: Chỉ có 90,6% số huyện trong cả nước có điện lưới quốc gia, 63,2% xã có điện và 50,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến cuối năm 2013, đã đạt được 99,08% số xã có điện lưới quốc gia, 97,85% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (Cả nước hiện chỉ còn 86 xã chưa có điện lưới, là các xã ở vùng sâu, địa hình hiểm trở chưa có đường giao thông và xã đảo). |
Tại các vùng đồng bào DTTS và Miền núi, đến năm 2013 đại đa số đã được sử dụng điện. Khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân có điện, các số liệu tương ứng khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam bộ là 98,85% và 97,27%. |