Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Diễn viên múa lửa: Rộp miệng, rát da… mua vui cho khán giả

Yến Vy (SN 1988, quê Hải Phòng) bén duyên với âm nhạc từ năm 17 tuổi nhưng cô được biết đến nhiều hơn với vai trò diễn viên múa lửa cho các sự kiện lớn, nhỏ ở các tỉnh thành phía Bắc.

 

Theo Yến Vi, khi mới 16, 17 tuổi cô thường trốn gia đình lên các quán bar hát. Cát xê cả đêm diễn có khi chỉ được 30 nghìn nhưng quan trọng cô được thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình.

Sau này, khi đã có chút tiếng tăm trong giới biểu diễn sự kiện, cô lấn sân sang loại hình múa lửa và thu được nhiều thành công. Tuy nhiên bên cạnh những vinh quang, nghề này cũng không ít những rủi ro, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống nếu chẳng may bất cẩn.

 

Yến Vy chia sẻ, nghề múa lửa chỉ cần sơ sẩy một phút là có thể xảy ra tai nạn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).


Chia sẻ về nghề múa lửa, Yến Vy cho biết: “Nghề múa lửa là nghề rộp miệng, rát da… mua vui cho đời mà “tuổi thọ” nghề nhiều lắm cũng chỉ được vài năm thôi”.

Cô đến với nghề múa lửa rất tình cờ. Cách đây 3 năm, cô vào TP.HCM biểu diễn, được tận mắt chứng kiến màn múa lửa của nghệ sỹ trong đoàn, cô say mê múa lửa lúc nào không hay. Bỏ ngoài tai lời can ngăn của bạn bè về những nguy hiểm khi làm nghề này, Yến Vy quyết tâm theo học.

Những ngày đầu học nghề, da Yến Vy lúc nào cũng trong tình trạng đỏ tấy, đau nhức. Có lúc cô định buông xuôi, từ bỏ nhưng đến tối thấy những chiếc vòng lửa cháy rực, xoay tròn uyển chuyển theo bước chân của vũ công, lòng cô vững tin trở lại.

“Tôi học nuốt nửa thì bỏng họng, lăn lửa thì bỏng da. Chưa kể mỗi lần tập, tóc tai tôi còn bị cháy xém. Ngày nào tôi cũng tập, có có hôm còn về nhà trong tình trạng người nồng nặc mùi dầu, mùi xăng, toàn thân đau nhức”, Yến Vy chia sẻ.

 

"Khi lăn lửa trên da hay nuốt lửa hoàn toàn là do khổ luyện, chấp nhận đau đớn chứ không có công nghệ gì hỗ trợ" (Ảnh: nhân vật cung cấp).


Cô tiết lộ, diễn viên múa lửa thường dùng dầu hôi, xăng và dầu để đốt. Khi lăn trên da hay nuốt lửa hoàn toàn là do họ khổ luyện, chấp nhận đau đớn chứ không có công nghệ gì hỗ trợ.

"Đã đứng trên sân khấu, dù bị bỏng, đau đến đâu cũng phải mỉm cười rạng rỡ như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến lúc về nhà, một mình chịu đựng sự bỏng rát tôi mới dám khóc", Yến Vy buồn rầu nói.

Khi mới đi biểu diễn cô cũng gặp không ít tai nạn. Như lần biểu diễn ở Nam Định năm 2016, do hai sô diễn gần nhau, cô thực hiện liên tục kỹ thuật nuốt lửa, mỗi màn theo tính toán chỉ thực hiện ngậm trong 10 giây nhưng khán giải phấn khích quá, yêu cầu cô làm lại lâu hơn. Kết thúc màn biểu diễn, họng Yến Vy bị bỏng, đỏ tấy cả khoang miệng.

Gần 2 tuần cô không thể nuốt dù chỉ 1 hạt cơm, đến nỗi phải đi bệnh viện truyền nước đề cầm cự. “Khoảng thời gian ấy, tôi thấy mệt mỏi, đau đớn vô cùng nhưng họng chưa kịp lành, nhớ sân khấu quá nên khi ông bầu gọi điện tôi nhận sô luôn”.

Vẫn theo lời Yến Vy, dân múa lửa sợ nhất là phải diễn ngoài trời. Theo đó, quan trọng nhất với người múa lửa là phải đón được hướng gió khi biểu diễn màn phun lửa. Cô giải thích: “Chỉ cần một làn gió nhỏ cũng khiến lửa bén vào người”.

Kỷ niệm lần biểu diễn ở Hưng Yên cách đây 1 năm khiến cô ám ảnh đến bây giờ. Hôm đó nhiệt độ ngoài trời lên cao đến đỉnh điểm, trời nắng chang chang. Yến Vy vừa chịu sức nóng kinh khủng trong thời tiết nắng gắt vừa biểu diễn cùng ngọn đuốc cháy phừng phừng trên sân khấu.

Trời khá lặng gió tuy nhiên đến tiết mục phun lửa  thì trời bắt đầu có chút gió nhẹ. Mặc dù cô đã cẩn thận quan sát, tính toán hướng gió rất kỹ do sân khấu nằm ngoài trời.

Tuy nhiên, cô bất ngờ bị lửa tạt ngược trở lại. Tóc tai, mặt mũi Yến Vy bị cháy xém nhưng ngọn lửa nhỏ, thời điểm lửa bùng, nhân viên âm thanh nhanh tay vớ được tấm vải bạt dập đi nên cô không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Vụ tai nạn của tôi vẫn chưa là gì so với tai nạn kinh hoàng của một đồng nghiệp trong TP.HCM xảy ra cách đây 2 năm”, cô tiếp tục kể.

Lần đó đồng nghiệp của Yến Vy múa lửa trong một quán bar. Quán bar sử dụng hệ thống điều hòa công suất lớn, gió thổi ra rất mạnh. Sân khấu lại nằm ngay dưới máy điều hòa.

Nghệ sĩ này trong màn biểu diễn phun lửa, không thể thổi lửa về phía khán giả được liền ngửa cổ phun thẳng ngọn lửa lên trần. Không ngờ đúng lúc gió từ điều hòa phả xuống rất mạnh, ngọn lửa dội ngược trở lại, bắt lửa vào người. 

Mặc dù đồng nghiệp của Yến Vy được đưa đi bệnh viện kịp thời, giữ được tính mạng nhưng phải mang thương tật suốt đời, khuôn mặt biến dạng khủng khiếp, phải bỏ nghề trong cay đắng.

Cô gái trẻ trải lòng: “Cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác, nhan sắc đối với nghệ sĩ múa lửa vô cùng quan trọng. Ngoài động tác múa chuyên nghiệp, điêu luyện, thân hình uyển chuyển thì khuôn mặt người nghệ sĩ phải có thần thái rạng rỡ, hỏng khuôn mặt đồng nghĩa với việc không bao giờ có cơ hội làm nghề nữa”.

Cô cho biết thêm, bất kể ai tham gia biểu diễn múa lửa, dù có kinh nghiệm nhưng việc bị bỏng đối với họ là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Ngoài những tai nạn trong nghề dễ gặp phải, dân múa lửa còn phải chịu nhiều tác dụng phụ khi tiếp xúc thường xuyên với xăng, dầu và lửa. Đặc biệt là răng giòn nhanh do thường xuyên tiếp xúc với sức nóng của lửa, một số người còn bị nhũn lợi do ngậm dầu. Bên cạnh đó họ còn có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp do trong xăng có chì…

“Nhiều người thấy diễn viên múa lửa ăn mặc gợi cảm khi biểu diễn là nghĩ dân múa lửa khêu gợi, dùng hình thể để thu hút sự chú ý của khán giả. Nhưng họ đâu hiểu đó là đặc thù của nghề này. Mặc trang phục như vậy sẽ giúp tôi dễ dàng thực hiện những động tác như lăn lửa vào tay, chân, bụng… và nhất là phải mặc ít vải để không bị bén lửa”, nữ diễn viên múa lửa chia sẻ.