Thu Quỳnh tâm sự: “Tôi sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bố là diễn viên múa, mẹ là diễn viên kịch nói. Khi đang mang thai tôi, mẹ vẫn lên sân khấu diễn kịch, và vì thế tôi ngấm máu nghề của bà. Từ bé, tôi chỉ có một ý nghĩ, lớn lên sẽ trở thành diễn viên. Khi tôi thi đại học, lựa chọn trở thành diễn viên đã bị các bạn trẻ coi là lỗi mốt nhưng sở thích của tôi vẫn không thay đổi. Tôi thích gắn bó với sàn diễn. Chỉ khi rảnh việc ở sân khấu, tôi mới nhận lời đóng phim truyện hay phim truyền hình dù đóng phim khiến mình nhanh nổi tiếng và thu nhập cũng khá hơn.
* Trẻ đẹp, vào nghề cũng đã lâu, song mới đây Quỳnh mới vào vai chính trong phim truyện nhựa “Sống cùng lịch sử”- một phim khiến dư luận kêu ca là không bán được vé nào. Chị có thấy buồn?
- Trước khi làm phim, chúng tôi đều hiểu đây không phải là phim làm ra để bán vé. Đây là dòng phim nghệ thuật, dòng phim lịch sử, khó làm, diễn xuất cũng khó hơn, nhưng rõ ràng yếu tố ăn khách của dòng phim thị trường thì không phải là đích nhắm đến. Chúng tôi đã cùng nhau đem phim đi chiếu ở nhiều nơi cho những khán giả đã trên 70 tuổi, hay những em nhỏ ở vùng quê- những người không có điều kiện mua vé xem phim. Tình cảm, sự yêu thích của họ đủ mang lại niềm vui cho đoàn làm phim.
* Còn đối với chị, vai diễn trong phim thực sự có ý nghĩa hay chỉ là một cơ hội nghề nghiệp?
-Vai diễn có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi, nhất là ở thời điểm này khi tôi vừa đủ độ “chín” để cảm và hiểu về cuộc đời. Tôi nghĩ, nếu vai diễn đến với tôi sớm hoặc muộn hơn đều không thích hợp. Lần đầu tiên, tôi được cảm nhận sự mong manh của phận người trong chiến tranh. Đoàn phim sử dụng bom thật, vì thế diễn viên cần phải hết sức thận trọng. Vừa hóa thân vào nhân vật, vừa phải “tỉnh” để biết rằng chỉ cần sai một ly là đi một…mạng người. Phim xong rồi, tôi mới thở phào “mình còn sống”. “Sống cùng lịch sử” đã cho tôi một trải nghiệm đúng như tên gọi của nó. Tôi cảm nhận rõ, nhận thức và hiểu biết của mình về cuộc sống đã thay đổi rõ rệt sau khi được tham gia vào một phim chiến tranh.
8 Chị có nghĩ rằng, với nhan sắc và tài năng của mình, đáng ra giờ này Thu Quỳnh phải nổi tiếng hơn mới phải?
- Tôi không phủ nhận, là diễn viên ai cũng muốn mình được khán giả biết đến, song điều đó không đồng nghĩa với việc phải nổi tiếng bằng mọi giá. Nếu thực sự muốn có danh vọng, tôi hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội này ngay sau khi được vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Nhưng tôi chỉ muốn mình được khán giả yêu mến sau mỗi vai diễn hay. Chất lượng vai diễn mới là khát vọng lớn của tôi.
* Nhưng đến bây giờ, lưng vốn diễn xuất của Thu Quỳnh chưa hẳn là nhiều…
- Khi nhận vai chính trong vở kịch kinh điển “Vòng phấn Kafka”, NSND Lê Khanh có nói với tôi rằng, so với thế hệ các cô ngày xưa, chúng tôi có phần thiệt thòi hơn. Ngày trước, cô Khanh vào Nhà hát Tuổi trẻ khi mới 17 tuổi, vừa học vừa diễn xuất. 10 năm sau, tức bằng tuổi tôi bây giờ, cô Khanh đã có một sự nghiệp đáng nể, được hóa thân vào nhiều vai diễn nặng ký, đoạt nhiều huy chương vàng. Còn tôi, bây giờ mới chỉ là bước khởi đầu, dù cũng đã có huy chương. Cái tuổi đẹp nhất để lên sân khấu là từ 18 -22, thì lúc đó đang miệt mài học trong trường, ít có cơ hội thực hành. Nhưng học hành cũng là việc cần thiết. Hiện giờ đã có thành công song cô Khanh vẫn không ngừng đam mê diễn xuất. Tôi cứ lấy gương của cô mà noi theo, rằng sự nghiệp diễn xuất rất dài.
* Chị mới lập gia đình cùng một đồng nghiệp. Trước khi kết hôn, hai người có bị bố mẹ cảnh báo là sẽ rất khổ vì diễn viên sân khấu thường phải đi diễn xa nhà?
-Không cần bố mẹ cảnh báo thì chúng tôi cũng biết, lấy người cùng làm sân khấu thì rất vất vả. Nhưng đây là công việc theo mùa vụ, khi thì bận tối mặt tối mũi, lúc lại rất rảnh rang. Cũng may là lịch của tôi và anh Chí Nhân lại lệch nhau, nên vẫn có thể bố trí để chăm sóc gia đình. Bù lại, chúng tôi có lợi thế là yêu và muốn cống hiến cho sân khấu, vì thế có thể dựa vào nhau tạo sức mạnh.