Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia đến từ Tổ chức cứu trợ trẻ em, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, các trường đại học có đào tạo giáo dục mầm non và chuyên viên các Sở GD&ĐT trên cả nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) Nguyễn Bá Minh cho biết: Việt Nam là một trong số ít quốc gia ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Trong 11 năm qua, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hỗ trợ cán bộ quản lý và GVMN trong thực hiện Chương trình GDMN và công tác tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ, cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em 5 tuổi. Việc sử dụng Bộ chuẩn có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục của GDMN. Để đáp ứng yêu cầu mới, Bộ chuẩn cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo báo cáo kết quả sau 11 năm thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, từ thực tế triển khai tại cơ sở, khảo sát cho thấy cán bộ quản lý và GVMN đều đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi trong thực hiện Chương trình GDMN, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.
Bộ chuẩn là căn cứ để xây dựng chương trình, khung giáo dục mầm non quốc gia, cũng như phát triển chương trình giáo dục nhà trường; căn cứ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường, cũng như đánh giá chất lượng giáo dục nói chung để hoạch định kế hoạch, chương trình hay chế độ chính sách cho giáo dục mầm non; tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong phối kết hợp chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng đi học lớp 1; là căn cứ cho việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở các trường Sư phạm.
Cha mẹ trẻ đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong hỗ trợ chăm sóc, giáo dục con tại gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và công nghệ của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, từ đó làm cho một số chỉ số trong Bộ chuẩn có thể trở nên không còn phù hợp với khả năng của trẻ.
Dựa vào báo cáo của các nhóm chuyên gia về: Quá trình triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi; Phân tích kết quả đánh giá sự phát triển trẻ em 5 tuổi; Tổng quan phân tích chuẩn 5 tuổi của một số nước; Xác định các “Mong đợi mới” đối với sự phát triển của trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2021-2030 và khuyến nghị cho Bộ chuẩn trẻ em 5 tuổi ở Việt Nam đã cho thấy sự cần thiết xem xét lại chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế và đáp ứng xu thế phát triển ngành giáo dục trong tương lai.
Các ý kiến khuyến nghị nhấn mạnh đến việc phát triển chuẩn cho trẻ 5 tuổi dựa trên cơ sở những ưu điểm của các chuẩn tốt với trẻ em 5 tuổi kết hợp với một số chuẩn trong Bộ chuẩn quốc tế để bổ sung những chuẩn và chỉ số mới phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay và một số khuyến nghị của UNESCO.
Thông qua tọa đàm, các chuyên gia đã đóng góp được những định hướng quan trọng cho việc điều chỉnh nội dung Bộ chuẩn phù hợp với mong muốn. Trong đó, xác định các giá trị mong đợi của xã hội đối với trẻ em, có thể bổ sung các chuẩn, chỉ số gắn với các giá trị (hạnh phúc, yêu thương, tôn trọng, hợp tác, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực cần thiết (như khả năng thích ứng, sự sáng tạo, tổ chức thực hiện công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, tính tự tin và tự trọng…).
Các yêu cầu về Bộ chuẩn cũng được làm rõ như: Cần tiến hành xây dựng yêu cầu cần đạt chuẩn phát triển trẻ em mang tính hệ thống, liên thông cho tất cả các độ tuổi mầm non với Chương trình giáo dục Tiểu học mới; xác định được ngưỡng chuẩn chung của những gì trẻ 5 tuổi nên biết và có thể làm; đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019 đảm bảo việc xây dựng Bộ chuẩn là căn cứ để xây dựng Chương trình khung GDMN quốc gia, đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường, chất lượng giáo dục nói chung để hoạch định kế hoạch, chương trình hay chế độ chính sách cho giáo dục mầm non.