Nhưng có một điều khó hiểu, đối với các ngành nghề khác dù có thế nào thì sự phân biệt trong công việc là không lớn, còn nghề điều dưỡng ai cũng nói rất cần đấy, nhưng thực tế cuộc sống thì bản thân những người làm nghề thường không dám nói yêu cái nghề mà mình đang làm, không những vậy điều dưỡng thường có xu hướng thu khép mình, bản thân họ thấy mình không được đồng nghiệp và cộng đồng tôn trọng, chế độ đãi ngộ không tương xứng, môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm.
Ân cần chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình.
Cũng học hành vất vả, để có được tấm bằng đại học có khi mất gần chục năm bởi thời xưa học 3 năm trung học, rồi tại chức lên cao đẳng 3 năm cùng 1,5 năm đại học, nếu lên thạc sĩ cũng mất thêm 2 năm nữa, như vậy so với các ngành khác cái sự học của điều dưỡng chẳng đơn giản chút nào. Rồi cũng bằng nọ cấp kia nhưng tại sao lại có một nghịch lý phi lý đến vậy, phải chăng cái thời kỳ quá độ kéo dài cùng bất cập trong cơ chế đã trói nó lại cùng những định kiến cổ hủ của một số người rằng điều dưỡng chỉ là người giúp việc, đã làm cho những người điều dưỡng cảm thấy mình chưa được tôn trọng và điều này càng khiến họ không thấy tự tôn nghề nghiệp.
Như chúng ta đã biết để kết quả điều trị người bệnh được tốt nhất không thể thiếu được vai trò của người điều dưỡng, từ khi bác sĩ ra phác đồ điều trị trên giấy đến khi nó đến được với người bệnh là cả một quá trình mà không ai khác đó chính là công việc do người điều dưỡng đảm nhiệm.
Một mũi tiêm truyền đúng kỹ thuật đảm bảo đưa thuốc vào người bệnh được an toàn, cho đến một vết mổ khô không bị nhiễm khuẩn mau liền, một bệnh nhân chăm sóc hậu phẫu sau các ca mổ với biết bao vấn đề cần và đủ, những bệnh nhân theo dõi chăm sóc nội khoa của từng chuyên khoa khác nhau, đòi hỏi người điều dưỡng ngoài việc am hiểu về công việc theo dõi chăm sóc chung còn phải học chuyên sâu theo dõi, chăm sóc theo từng chuyên khoa, mà mỗi chuyên khoa người điều dưỡng phải lập được kế hoạch chăm sóc cho từng loại bệnh,
Rồi còn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, phục hồi chức năng, những bệnh nhân nặng đòi hỏi chế độ chăm sóc đặc biệt, như việc cho ăn qua sonde sao an toàn và đủ khẩu phần dinh dưỡng mà việc đó không thể giao cho người nhà mà phải chính tay người điều dưỡng làm, việc chống loét do tì đè, vỗ rung chống bít tắc viêm đường hô hấp, việc vệ sinh răng miệng thân thể, hút đờm dãi, chăm sóc ống nội khí quản, cho đến việc thụt tháo chống táo bón, rồi công tác tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh theo từng đối tượng và từng chuyên khoa như người già, trẻ em, người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, người phẫu thuật đường tiêu hóa, bệnh nhân viêm gan B, C, HIV… nói chung là bệnh nhân có bệnh gì thì điều dưỡng cũng phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn để có được sự chăm sóc đúng nhất.
Theo dõi sát các chỉ số sống của người bệnh nặng.
Ở bệnh viện chứng kiến nhiều gia đình anh em con cái đánh nhau lộn bậy cũng bởi chăm cha ít, mẹ nhiều, có nhà anh em con cháu giàu có, học vấn cao vất mẹ già cha ốm nằm lăn lóc một chỗ không chăm, rồi chẳng thiếu cảnh gia đình lục đục mất đoàn kết, tị lạnh đem cha mẹ ra chia việc chăm nuôi từng ngày từng tháng, có cảnh con cái trở mẹ vất về nhà anh trai đang đi buôn bán xa giữa đêm đông giá rét, đến người thân máu mủ ruột già mà còn đối xử tệ với người mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, chăm bẵm mình lớn khôn.
Chưa kể đến việc con cháu bận công mải việc phải thuê người, nhưng việc thuê người lao động phổ thông với mức lương cao và mức sinh hoạt chẳng khác gì người trong nhà, để chăm sóc người ốm, ấy vậy nhưng kiếm người đâu có dễ, người dân bây giờ thà ở nhà ăn cơm rau chứ khó chấp nhận đi phục dịch người khác không phải cha mẹ mình, mà nếu thuê được có khi còn chiều người giúp việc hơn cả chiều cha mẹ, chỉ hơi có chút sơ xuất là họ dỗi bỏ việc ra về. Tháng đầu cha mẹ ốm còn thương, tháng sau, tháng sau nữa thì thành nghĩa vụ, lâu dài thì việc chăm sóc trở thành một gánh nặng, hết thương chẳng xót, cái tình, cái nghĩa cũng dần vãi rơi. Nhưng ở bệnh viện thì sao, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, điều dưỡng gắn liền với việc chăm sóc người bệnh suốt cả cuộc đời, ngày ngày tiếp xúc và làm việc với đủ mọi đối tượng, mọi loại bệnh tật khác nhau, nhẹ nhàng chăm sóc đến con cháu người bệnh cũng chưa chắc đã làm được như vậy.
Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não thở máy
Một câu hỏi đặt ra vậy họ có yêu nghề không? Bởi nếu không yêu nghề làm sao người điều dưỡng có thể làm được những công việc khó khăn và áp lực đến thế, cái công việc mà nhiều người bình thường mới nghe thấy đã nổi da gà sợ hãi, bởi nghĩ đến máu mủ, đờm dãi, phân, nước tiểu, nghĩ đến các căn bệnh và rủi ro lây nhiễm, rồi những đêm trực trắng đêm cùng áp lực từ nhiều phía thì chẳng dễ dàng gì có thể vượt qua mà dấn thân chấp nhận hy sinh, phải yêu lắm, thương lắm thì mới có được nghị lực và chấp nhận tất cả bởi họ biết cái họ cho đi là tình yêu thương mà không cần nhận lại và khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế đó là những niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến của người bệnh mà bạn từng dày công bao ngày chăm sóc khỏi bệnh được đoàn tụ cùng gia đình.
Ngày xưa nghe những câu chuyện các bà xơ trong các tu viện chăm sóc những bệnh nhân mà xã hội xa lánh và ruồng bỏ, như bệnh nhân phong hủi, bệnh nhân lao, và nhiều loại bệnh khác khiến chúng ta không thể không khâm phục tấm lòng nhân hậu đức hy sinh cao cả, bản thân họ làm chẳng vì một cái gì, không phải để được phong thần nọ thánh kia, cũng chẳng để mọi người tôn xưng như những người hùng mà ca ngợi, họ làm bởi tình yêu thương đồng loại chăm sóc những con người của tột cùng đau khổ, trong những tấm khăn che đầu ánh mắt của họ dịu dàng như đức mẹ đồng chinh Maria, chỉ nhìn vào đó thôi người bệnh đã cảm thấy ấm lòng.
Vậy thì tại sao bản thân người điều dưỡng lại tự ti sống khép mình, luôn thấy mình nhỏ bé trong con mắt của đồng nghiệp và mọi người, có phải xã hội coi thường họ không? thực chất chẳng ai coi thường ai khi mà để làm được những công việc nhọc nhằn và vất vả có phần không sạch sẽ và nguy hiểm ấy thì một người bình thường không sao làm được. Do đó người điều dưỡng cần phải tự tin tự khẳng định mình, xã hội vốn dĩ công bằng, bạn làm tốt cho tôi, bạn quan tâm thương yêu tôi, sao tôi lại khinh và phụ bạn. Người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện với biết bao lo lắng sợ hãi, cùng những diễn biến tâm lý phức tạp và bất thường, nào là nỗi lo về bệnh tật, lo kinh phí chi phí, lo cho con cái cha mẹ ở nhà và còn biết bao lỗi lo khác. Bản thân họ như người chết đuối vớ cọc, đến bệnh viện gặp những cán bộ y tế với sự niềm nở nhiệt tình ngay từ khi đón tiếp đã phá tan đi sự sợ hãi lo lắng.
Chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Chỉ một ánh mắt, một giọng nói, một sự tận tình đã khiến người bệnh cảm thấy ấm lòng, họ tin tưởng hơn với bệnh viện và cán bộ y tế bởi họ biết rằng ở nơi đó với những con người tận tâm hết lòng như vậy thì bệnh của họ có hy vọng được cứu chữa. Nhưng khi bước chân vào bệnh viện, nhìn thấy những khuôn mặt cau có, những lời nói trống không, thiếu chủ ngữ vị ngữ, cùng sự nạt nộ vô cảm của một nhân viên y tế nào đó khiến sự đau đớn bực bội lo lắng có cơ bùng phát thế là những cuộc cãi vã, to tiếng ẩu đả diễn ra, lỗi đến từ người bệnh, không điều này không thể trách người bệnh, bởi họ cần chữa bệnh, họ cần được sự chia xẻ và cảm thông, chứ không phải là những thái độ lạnh lùng vô cảm.
Một điều dưỡng đơn nguyên đẩy xe tiêm, xe thay băng vào buồng bệnh và rồi những công việc được lặp đi lặp lại như một cái máy biết đi biết làm, như vậy chẳng khác gì robot được lập trình sẵn. Nhưng khi chiếc xe đó với những lời chào, lời thăm hỏi động viên cùng thái độ ân cần niềm nở của điều dưỡng sẽ khiến người bệnh cảm thấy an tâm, dẫu biết rằng mũi tiêm này sẽ đau, băng dính vết mổ khi bóc khiến lo lắng bao ngày sẽ tan biến và chỉ còn đọng lại trong họ sự tin tưởng và niềm tin ấy được nhân lên bởi sự dịu dàng nhẹ nhàng của người điều dưỡng và chắc chắn rằng người bệnh cùng gia đình người bệnh sẽ vô cùng cảm kích không bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình. Người bệnh được quan tâm chăm sóc tốt sớm lành bệnh để về với gia đình và hòa nhập với cộng đồng, cái được của người điều dưỡng ở đây chính là niềm vui nhân đôi của người bệnh và kết quả mà mình đã nhiệt tâm dành hết tâm huyết cho công việc.
Hãy đừng nghĩ mọi người coi thường, khi bản thân mình không tự vươn lên, không hết lòng vì công việc, nếu chỉ làm qua quýt để sớm xong công việc thì ngay trong bạn đã tự đánh mất đi lòng tự trọng và tự tôn nghề nghiệp, sao có thể đòi hỏi người khác phải tôn trọng. Có biết bao điều dưỡng được đồng nghiệp tin tưởng, được bệnh nhân yêu mến và hãy tin rằng nghề điều dưỡng mà bạn đã lựa chọn là nghề cao quý trong các nghề cao quý nhất.