Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Điều khiển xe máy khi có bằng lái xe ô tô có bị phạt?

Anh Nguyễn Văn Nam (Thái Bình) hỏi: Tôi điều khiển xe máy lưu thông trên đường và bị cảnh sát giao thông (CSGT) dừng xe do không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, dù tôi đã xuất trình giấy phép lái xe (GPLX) ô tô nhưng CSGT vẫn lập biên bản và tạm giữ xe máy của tôi. Trường hợp này CSGT đúng hay sai?

 

Luật Giao thông đường bộ quy định đối với người có GPLX hạng A1, A2, A3, B1, B2, C, D, E thì được điều khiển loại phương tiện tương ứng (chẳng hạn như A1 là GPLX điều khiển xe máy, A2 là GPLX lái mô tô phân khối lớn, A3 là GPLX lái xe mô tô ba bánh, B1 là GPLX ô tô 9 chỗ không kinh doanh, B2 là GPLX ô tô từ 5-9 chỗ kinh doanh, C là GPLX tải...).
Với tình huống trên, anh điều khiển xe máy lưu thông trên đường khi CSGT dừng xe kiểm tra, anh phải xuất trình GPLX hạng tương ứng. Còn trường hợp anh xuất trình GPLX ô tô là không đúng với quy định, CSGT sẽ lập biên bản lỗi không có GPLX.
Trong trường hợp này, sau khi lập biên bản CSGT ra quyết định tạm giữ phương tiện 7 ngày. Với lỗi này, người vi phạm sẽ bị xử phạt số tiền 1 triệu đồng.
Hiện nay khá nhiều người có GPLX dạng tích hợp ô tô và xe máy. Tuy nhiên, nếu điều khiển xe máy mà vi phạm giao thông, cảnh sát sẽ tiến hành tạm giữ GPLX và ghi rõ tạm giữ GPLX loại nào, đồng thời viết giấy hẹn đến giải quyết.
Nhưng sau đó, nếu anh điều khiển ô tô mà vi phạm giao thông, thay vì phải xuất trình GPLX (đã bị giữ trước đó), anh chỉ cần xuất trình giấy biên nhận tạm giữ bằng (còn thời hạn) thì được coi là có GPLX. Còn nếu quá thời hạn ghi trong giấy hẹn của công an mà anh không đến giải quyết, anh vẫn tiếp tục bị xử lý lỗi không có GPLX ô tô.