Từ đầu tháng 8/2021, thành phố tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM và mục IV Công văn 2209 của UBND TP. HCM.
Cụ thể là người làm một trong các công việc sau: Bán hàng rong; bán vé số; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm các công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn 1749 ngày 30/5/2021. Ngoài ra, xe ôm truyền thống (khoảng 34.000 người) cũng được nhận hỗ trợ.
Điều kiện hỗ trợ là lao động tự do mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn chuẩn cận nghèo của thành phố (dưới 4 triệu đồng/tháng); cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận). Tuy nhiên, không phải ai làm lao động tự do, ai chạy xe ôm truyền thống cũng được hỗ trợ mà phải làm một trong các công việc nêu trên và hoàn cảnh khó khăn thì mới được hỗ trợ.
Mức hỗ trợ là cho 30 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 (lần 2). Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày và chi hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người/30 ngày.
Điểm mới trong gói hỗ trợ lần 2 là những hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa… gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (khoảng 170.000 hộ) cũng được hỗ trợ. Đây là những trường hợp gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do thời gian thực hiện giãn cách kéo dài. Riêng với những hộ lao động này, không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ hộ nào thực sự khó khăn là được hỗ trợ. Trong gói hỗ trợ lần 2, thành phố cũng lần đầu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có mã số trên địa bàn thành phố (khoảng 90.600 hộ). Các hộ này đều là thường trú, hoặc đã đăng ký tạm trú trên 6 tháng trở lên.
Mức hỗ trợ chung đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ là 1,5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ trực tiếp 1 lần). Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng; kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM là 500.000 đồng (gồm 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng).
Thành phố khuyến khích chi trả hỗ trợ qua tài khoản cá nhân. Trường hợp nào có tài khoản cá nhân, tiền sẽ được chi trả thẳng vào tài khoản; trường hợp chưa có tài khoản thì nhận trực tiếp. Việc chi trả hỗ trợ trực tiếp do UBND phường, xã, thị trấn thực hiện. Những lao động tự do và nhận hỗ trợ trong lần 1 nên địa phương đã có danh sách đầy đủ để triển khai chi hỗ trợ lần 2. Người dân không cần phải làm bất cứ thủ tục nào.
Đối với hộ gia đình là lao động nghèo, UBND TP. HCM giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định, phê duyệt và tổng hợp danh sách các hộ đủ điều kiện hỗ trợ. Danh sách sau đó được chuyển về UBND phường, xã, thị trấn để chi trả hỗ trợ cho hộ dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, quá trình thực hiện gói hỗ trợ sẽ được triển khai theo phương châm “kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách”.
Trong đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động, UBND các địa phương phải được đề cao. Công tác triển khai cần phối hợp đồng bộ thống nhất theo 2 chiều, chiều rộng là sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ban, ngành; chiều sâu là xuống các quận huyện, phường/xã/thị trấn và phải phân công trách nhiệm rõ ràng.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, TP đã hoàn thành đợt hỗ trợ lần 1 cho các nhóm đối tượng lao động thất nghiệp, hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương. Đến nay, TP đã hỗ trợ với khoảng 56.000 người lao động, công nhân được hưởng; đối với hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh có 58.800 hộ hưởng, đạt 100%; đối với hỗ trợ cho hộ thương nhân 15.000/16.500 trường hợp và đạt 90%; đối với hỗ trợ cho lao động tự do có khoảng 365.000 người được hưởng, đạt 100%. Tổng kinh phí hỗ trợ là 576 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai các chính sách để chăm lo như: Giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cho 101 ngàn đơn vị, doanh nghiệp có 2,3 triệu công nhân với tổng kinh phí giảm là 1 tỷ 060 triệu đồng. Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 120 đơn vị có 22.300 công nhân với tổng kinh phí tạm dừng là 218 tỷ đồng. Hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất là 44 doanh nghiệp, tổng kinh phí cho vay là 75 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ mất việc cho hướng dẫn viên du lịch là 6.000 người, tổng kinh phí hỗ trợ là trên 23 tỷ đồng.
PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ