Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do: Tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tham gia cứu nạn, rủi ro của kỹ thuật y tế.

Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV

Theo dự thảo, người được xác định bị phơi nhiễm với HIV khi có đủ các điều kiện sau:

Bị một trong ba tai nạn sau đây khi đang thi hành nhiệm vụ, tham gia cứu nạn, rủi ro của kỹ thuật y tế: 1- Bị kim, vật nhọn đâm, vật sắc cứa xuyên qua da hoặc các tác nhân khác làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vùng tổn thương này đã tiếp xúc với máu, sản phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV; 2- Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt, mũi, miệng; 3- Bị rủi ro (không cố ý) của kỹ thuật y tế về truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể lấy từ người nhiễm HIV, vô khuẩn, sát khuẩn, xử lý chất thải khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, tiêm thuốc, châm cứu từ người nhiễm HIV.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV của người bị phơi nhiễm với HIV là âm tính do cơ sở y tế đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế thực hiện.

Mẫu máu được sử dụng để xét nghiệm của người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tham gia cứu nạn phải được lấy từ người bị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm xảy ra một trong ba tai nạn nêu trên.

Đối với người bị phơi nhiễm với HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế, mẫu máu được sử dụng để xét nghiệm HIV là mẫu máu được lấy từ người bị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ trước thời điểm xảy ra một trong ba tai nạn bị phơi nhiễm nêu trên.

Người bị phơi nhiễm với HIV cần được điều trị sau phơi nhiễm theo Hướng dẫn của Bộ Y tế càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ và không muộn hơn 72 giờ sau phơi nhiễm.

Điều kiện để xác định người bị nhiễm HIV

Theo dự thảo, điều kiện để xác định người bị nhiễm HIV bao gồm: Có Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV của cơ quan có thẩm quyền; kết quả xét nghiệm HIV của người bị phơi nhiễm với HIV tại một trong ba thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng sau khi bị phơi nhiễm với HIV là dương tính do cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính thực hiện.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV

Theo dự thảo, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV được nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ nộp trực tuyến thực hiện theo quy định tại Chương II. Quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV. Trường hợp không cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thời gian giải quyết các bước được quy định, cụ thể như sau:

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn để thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV.

Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo rõ lý do cho cá nhân, tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV biết để bổ sung hoặc hoàn chỉnh hồ sơ.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày họp thẩm định, Hội đồng tư vấn chuyên môn phải trình biên bản thẩm định lên Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền để xem xét và quyết định cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV. Trường hợp không cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.