Liên quan đến việc sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải liên tỉnh trên địa bàn TP Hà Nội, trả lời chất vấn của đại biểu TP hôm 7/12, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo phê duyệt quy hoạch chi tiết luồng tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2030 trên địa bàn TP có 668 tuyến kết nối từ 5 bến xe.
Hiện nay các tuyến vận tải liên tỉnh đều thực hiện theo đúng quy hoạch.
Theo quy hoạch, các tuyến xe đi phía Nam bố trí ở bến Giáp Bát, Nước Ngầm, ở phía Tây và phía Bắc về bến xe Mỹ Đình, phía Bắc về bến Gia Lâm...
Với định hướng đó, trong quá trình rà soát luồng tuyến, một số luồng tuyến hiện nay chưa đúng quy hoạch.
Sở Giao thông HN sẽ điều xe khách phía Nam ở bến Mỹ Đình về cả bến xe Giáp Bát?
Ông Viện cho rằng, tới đây Sở sẽ rà soát lại các luồng tuyến đi sai định hướng quy hoạch, đi vào các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn dễ gây ùn tắc giao thông, từ đó sắp xếp lại cho phù hợp.
Trước mắt sẽ tập trung rà soát các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp, giảm lượng xe đi xuyên tâm qua tuyến đường vành đai 3 đoạn từ nút giao Big C Trung Hoà đến nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“Việc điều chuyển được các tuyến xe khách cố định từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát thì sẽ giảm được lượng xe chạy trên đường vành đai 3, góp phần giảm ùn tắc…", ông Viện nói.
Chưa hài lòng với trả lời của Giám đốc Sở, ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng hỏi: “Trong quy định cụ thể về hướng tuyến, qua đối chiếu, rà soát và qua báo cáo của Sở GTVT thì có một số hướng tuyến sai.
Nếu Sở GTVT còn chưa nhận diện rõ còn đang sai so với hướng tuyến thì đó chính là nguyên nhân chậm điều chuyển trong thời gian qua?”.
Ông Viện cho rằng, những thắc mắc trên của bà Hằng thuộc định hướng quy hoặc sau năm 2020 chứ không phải định hướng từ nay đến năm 2020.
Theo ông, quy hoạch được Bộ trưởng GTVT phê duyệt nói rõ, luồng tuyến vận tải hành khách cố định phải trên cơ sở ổn định đường tuyến, định hướng đến năm 2020.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nói, có lẽ vì chưa nắm rõ quy hoạch nên Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trả lời chung chung, chưa trúng vấn đề.
"Quy hoạch của Bộ GTVT cũng nói rất rõ: Đối với các bến xe bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, Tết. Do vậy, việc điều xe từ bến Mỹ Đình về Giáp Bát là chưa phù hợp với quy hoạch", ông Liên khẳng định.
Hơn nữa, việc điều xe các tuyến phía Nam ở bến Mỹ Đình để giảm ùn tắc khu vực nội đô trục đường vành đai 3, tuy nhiên Sở GTVT lại điều về bến Giáp Bát, buộc xe khách phải đi vào các tuyến phố khu vực trung tâm: Giải Phóng, Kim Đồng và đặc biết là khu vực đường Giải Phóng - Linh Đàm thường xuyên bị ùn tắc sẽ gây áp lực giao thông rất lớn cho khu vực xung quanh bến xe Giáp Bát.
Chuyển xe phía Nam về bến Giáp Bát khó dẹp nạn xe dù bến cóc.
Điều trái quy hoạch phát sinh nhũng nhiễu
Ông Liên cũng lo ngại, nếu Sở GTVT điều chuyển một số tuyến xe phía Nam về bến Giáp Bát, một số về Nước Ngầm hay được ở lại Mỹ Đình thì chắc chắn sẽ gây bất bình đẳng trong kinh doanh giữa các DN vận tải.
Điều này sẽ phát sinh mâu thuẫn tạo cơ hội nhũng nhiễu, các DN vận tải có thể sẽ phải có cuộc đua "chạy" lốt chuyển về Giáp Bát hoặc ở lại Mỹ Đình chứ không muốn về Nước Ngầm.
Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho hay, quan điểm của Tổng cục là không đồng ý điều chuyển xe khách từ bến Mỹ Đình về Giáp Bát mà chỉ điều chuyển về Nước Ngầm. “Bến Giáp Bát chỉ có giảm đi chứ không có tăng”, ông Huyện nói rõ.