Bên cạnh việc tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Nguyễn Xuân Phú và Phó Giám đốc Trần Thị Thu Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Nguyễn Bằng Toàn cũng cử ông Nguyễn Thế Tường, Phó Giám đốc Trung tâm tạm điều hành hoạt động của đơn vị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở LĐ-TB&XH. Hai lãnh đạo của hai phòng chức năng thuộc Sở là Phòng BTXH và Phòng Tài chính kế hoạch cũng được cử giúp Phó Giám đốc Tường quản lý, điều hành, sớm đưa Trung tâm hoạt động ổn định, chấn chỉnh các sai sót vừa được phát hiện; củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, viên chức của TTBTXH; tăng cường công tác kiểm tra giám sát hàng ngày, hàng tháng đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại đây.
Hình ảnh sinh hoạt của người tâm thần tại TTBTXH Nghệ An được một nhà từ thiện chia sẻ trên mạng xã hội.
Cũng trong ngày 3/11, Cục Bảo trợ xã hội có văn bản số 761/BTXH-BC báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về vụ việc trên. Theo đó, kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo vi phạm của Giám đốc và Phó Giám đốc TTBTXH Nghệ An cho thấy: Hàng năm, Trung tâm có mua một số trang cấp cho đối tượng nhưng cấp phát không đầy đủ đúng theo quy định; giai đoạn 2013 - 2014, trung tâm đã lập hồ sơ, chứng từ, mua hóa đơn giá trị gia tăng các mặt hàng trang cấp của đối tượng, kê khống các mặt hàng với số tiền là 538.862.000 đồng. Việc cấp phát trang cấp cho các đối tượng có danh sách cấp phát và ký nhận đầy đủ của cán bộ quản lý, nhưng thực tế bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc đã giả mạo chữ ký của hộ lý hoặc hộ lý ký nhưng đối tượng không được nhận.
Từ năm 2012 đến tháng 8/2015, bà Phương trực tiếp quản lý tiếp phẩm, quản lý tiền; lên thực đơn các bữa ăn hàng ngày của đối tượng và đặt mua thực phẩm cho nhà ăn, có xác nhận của cấp dưỡng về định lượng gạo, thịt lợn nhưng không công khai trên bảng tên tại bếp ăn, không phân công cán bộ kiểm tra, giám sát thực đơn hàng ngày nhằm bớt xén với số tiền là 231.166.443 đồng; bên cạnh đó, quà của các đoàn từ thiện tặng Trung tâm cũng không được công khai, bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của các đối tượng được bảo trợ, với số tiền là 38.478.000 đồng.“Như vậy, tổng số tiền sai phạm trong việc không mua trang cấp và thực hiện không đúng chế độ ăn của đối tượng là 783.959.643 đồng”, báo cáo của Cục BTXH nêu rõ.
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm trên được Cục BTXH chỉ ra là do Giám đốc Trung tâm đã buông lỏng quản lý, lãnh đạo; Buông lỏng nguyên tắc quản lý tài chính trong việc thanh quyết toán. Không mở sổ sách kế toán theo dõi các nguồn hàng, tiền viện trợ của các nhà tài trợ, không công khai minh bạch trong quản lý tài chính... Công tác kiểm tra, giám sát của các phòng chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Năm 2013, Đoàn thanh tra định kỳ của Sở đã thanh tra toàn diện tại đơn vị nhưng không phát hiện ra các sai phạm như nội dung tố cáo.
Ngày 12/10/2015 ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương đã nộp số tiền sai phạm là 783.959.643 đồng vào quỹ cơ quan. Đến nay, hoạt động của Trung tâm đã bước đầu có những chuyển biến tích cực như chế độ của đối tượng người tâm thần, tàn tật, neo đơn được áp dụng đúng theo quy định tại Nghị định 136 của Thủ tướng Chính phủ; khẩu phần ăn của các đối tượng được nâng lên, với người neo đơn là 810.000 đồng/tháng và người tâm thần là 1.080.000 đồng/tháng.
Được biết, nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở BTXH trên phạm vi cả nước, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành văn bản số 6371/VPCP-KGVX chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH. Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành công văn số 2881/LĐTBXH-BTXH gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; công văn số 1211/LĐTBXH-BTXH ngày 7/4/2015 về việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở BTXH.