Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đình chỉ điều tra người tù qua hai thế kỷ Huỳnh Văn Nén

Sáng 28/11, cơ quan tố tụng sẽ đến thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) để công bố quyết định đình chỉ điều tra ông Huỳnh Văn Nén.

 

Theo đó, Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén. Quyết định này thể hiện, hành vi của ông Huỳnh Văn Nén không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Với quyết định này, ông Huỳnh Văn Nén sẽ trở thành người hi hữu nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, bị kết án oan và được minh oan trong cả 2 vụ án Giết người.

 

Ông Nén vui mừng vì được cho tại ngoại sau hơn 17 năm ngồi tù.


 Như đã thông tin vụ án liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén, vào tháng 5/1993, bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh) bị giết chết tại một vườn điều thuộc xã Tân Minh (vụ án đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam với tên gọi: vụ án vườn Điều).

Sau một thời gian không tìm ra nghi phạm, đến tháng 9/1993, cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Tuy nhiên, vào tháng 4/1998, tại địa bàn xã Tân Minh tiếp tục xảy ra vụ “Giết người” và “Cướp tài sản” nghiêm trọng. Nạn nhân được xác định là bà Lê Thị Bông (ngụ thôn 2, xã Tân Minh).

Sau khi vào cuộc điều tra, công an tỉnh Bình Thuận đã xác định Huỳnh Văn Nén chính là hung thủ gây án.

Sau khi bị bắt khẩn cấp, ông Nén tiếp tục khai ra chính ông và 9 anh em họ hànggia đình bà Nguyễn Thị Lâm là những người đã giết bà Dương Thị Mỹ. Từ lời khai này, công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ án bà Mỹ.

Những người ông Nén khai bị bắt giữ sau đó và đưa ra xét xử vào tháng 4/2001. Tuy nhiên đến năm 2005, trải qua nhiều phiên tòa nhưng vẫn không kết tội được các bị cáo, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra các bị can.

Những cơ quan tố tụng tham gia quá trình điều tra, xét xử phải xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho 9 người.

Tuy ông Nén được xác định bị oan trong “vụ án vườn điều”, nhưng vẫn bị kết tội trong vụ án bà Lê Thị Bông. Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận đưa vụ án Huỳnh Văn Nén giết bà Lê Thị Bông ra xét xử và tuyên phạt Nén mức án tù chung thân cho hai tội: “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Tháng 10/2000, ông Huỳnh Văn Nén có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng kháng cáo này đã quá hạn, do đó tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM không chấp nhận.

Ngày 2/9/2000, anh Nguyễn Phúc Thành (ngụ KP2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận, Thành lúc đó đang thụ án 18 tháng tù giam tại trại giam Sông Cái) đã viết một lá đơn tố giác tội phạm. Trong đó, anh Thành khẳng định ông Nén không giết mà Bông mà là hai người bạn của Thành.

Từ lá đơn của anh Thành, ông Nguyễn Thận (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã làm tờ trình số 29/CV/UB-TM ngày 29/9/2000 gửi đến các cơ quan thực thi pháp luật, báo cáo việc có lá đơn tố giác tội phạm, hung thủ giết bà Lê Thị Bông không phải là Huỳnh Văn Nén mà là một người khác.

Tuy nhiên, sau đó lá đơn này bị rơi vào im lặng và ông Huỳnh Văn Nén vẫn ngồi tù. Những lần có người thân vào thăm nuôi, ông Nén đều kêu oan. Thấy có dấu hiệu oan sai, cha của Nén là ông Huỳnh Văn Truyện đã kêu oan cho Nén trong nhiều năm trời.

Cùng đồng hành với ông Truyện trong việc kêu oan cho Nén là ông Nguyễn Thận. Sau hàng chục năm trời kêu oan, ánh sáng công lý đã chiếu đến tâm lòng của những người kêu oan cho Nén.

Tháng 11/2014, Viện KSND Tối cao ra bản Kháng nghị số 30/QĐ-VKSTC-V3, đề nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra cách đây hơn 15 năm.

Theo Viện KSND Tối cao, đây là vụ án không quả tang. Quá trình điều tra, xét xử vụ án đối với Nén có nhiều thiếu sót, vi phạm tố tụng. Cơ quan điều tra không thu giữ được vật chứng. Nén được xác định dùng dây siết cổ bà Bông nhưng sợi dây mà cơ quan thu giữ được lại là sợi dây khác.

Các lời khai nhận tội ban đầu của Nén không phù hợp hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi. Các lời khai nhận tội sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của các nhân chứng.

Ngoài ra, Viện KSND tỉnh Bình Thuận còn thay thế cáo trạng số 84 ngày 27/7/2000 bằng cáo trạng số 84 ngày 16/8/2000, nhưng bản án hình sự sơ thẩm số 96 ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào cáo trạng đã bị VKSND tỉnh thay thế để xét xử, cáo trạng này lại không có trong hồ sơ xét xử.

Ngày 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại, kết thúc hơn 17 năm ngồi tù oan.