Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đinh Công Tường và những cổ vật gốm sứ thời Lý

Một dân tộc muốn trường tồn thì phải có và gìn giữ cho được những bản sắc văn hóa riêng. Nhiều sản phẩm gốm sứ, vượt lên giá trị sử dụng đã thực sự là những tuyệt tác nghệ thuật độc đáo và quý hiếm. Tiếc rằng, cùng với thời gian ngày càng ít thấy những món cổ vật gốm sứ mang hồn cốt dân tộc.

Say mê sưu tầm cổ vật – đặc biệt là gốm sứ, như Đinh Công Tường (Quận 12 – Tp Hồ Chí Minh) có lẽ ở nước ta chả được mấy người. Thời gian hàng ngày của Tường chủ yếu là lau chùi, sắp xếp, phân loại cổ vật. Thế nhưng chỉ cần có ai gọi đến báo tin ở nơi nào đó có cổ vật vừa được tìm thấy thì dù là giữa trưa hay đang đêm anh cũng vội vã lên đường để “săn” cho bằng được.


Ghè rượu cổ men nâu thời Lý

Những cuộc đi như thế vất vả, thậm chí là nguy hiểm là chuyện đương nhiên nhưng không phải khi nào cũng gặt hái được thành công. Đơn giản có những món đồ lâu năm nhưng không thể gọi là đồ cổ, hoặc đồ cổ nhưng giá trị thấp. Và không ít lần sau quãng đường hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số nhà sưu tầm đành ngậm ngùi trở về tay không vì bị lừa do cố tình hay vô ý. Thông thường, để sưu tầm được những món đồ cổ ưng ý Đinh Công Tường phải đi lại nhiều lần, xem xét cẩn thận bằng con mặt nhà nghề, vậy mà cũng không ít lần mua phải đồ làm lại.

Đinh Công Tường và chiếc bình cổ thời Lý

Hiện nay, Đinh Công Tường đang lưu giữ khoảng 100 ngàn cổ vật, trong đó nhiều nhất là gốm sứ có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Mỹ, Pháp… Riêng gốm sứ trong nước, ngoài các sản phẩm thuộc các dòng nổi tiếng như Bát Tràng, Bàu Trúc, Chu Đậu, Phù Lãng… anh còn sở hữu khá nhiều sản phẩm quý hiếm thuộc dòng gốm Quảng Đức, Gò Bồi, Sa Huỳnh… Cách nung gốm Quảng Đức rất cầu kỳ và đã thất truyền từ lâu, hiện chỉ còn một vài sản phẩm như ghè rượu, lọ nước, bình trà… trong bộ sưu tập của Đinh Công Tường mà thôi.

Thời gian gần đây, Đinh Công Tường đã có may mắn sưu tầm được một số món đồ gốm sứ từ thời Lý – Trần. Thời kỳ này, nghề gốm ở nước ta phát triển khá mạnh, không chỉ nhiều về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên đến độ tinh xảo. Có hai loại gốm cơ bản là gốm kiến trúc, trang trí thường là đất nung mộc hay phủ một lớp men. Đồ gia dụng phong phú hơn với bát, đĩa, âu, bình trà, vò rượu… được làm thủ công rất tinh xảo. Ngoài việc để dùng trong nước, đồ gốm thời kỳ này còn được xuất sang nhiều nước khác và rất được ưa chuộng. Cũng vì thế đồ gốm thời Lý hiện nay còn lại không nhiều – nhất là các sản phẩm men lục, men nâu…, đặc biệt là những cổ vật men ngọc. Điều đó chứng tỏ nước ta có kỹ nghệ làm gốm sứ rất độc đáo, tinh xảo từ xa xưa.

Những chiếc bình quý men nâu có hình rồng và men lục

          Theo Kỷ lục gia, Vua gốm sứ Đinh Công Tường, thời Lý – Trần luôn được coi là giai đoạn vàng của gốm sứ Việt Nam. Không chỉ có nhiều địa phương trong cả nước có nghề làm gốm mà quan trọng là những sản phẩm gốm sứ thời kỳ này rất phong phú, có giá trị nghệ thuật cao. Các nghệ nhân thời kỳ đó đã có nhiều thể nghiệm và thu được những thành công trong công nghệ tráng men. Bằng chứng là đã có nhiều loại men rất độc đáo như men trắng, men ngọc, men nâu, men lục…

          Về tạo hình, các sản phẩm gốm sứ thời Lý cũng rất đẹp dù mộc mạc, riêng hình các con rồng trên các sản phẩm thì khỏe, có vẻ dữ tợn, ít đường nét và sự uyển chuyển so với hình rồng các thời kỳ khác.

          Hiện tại Đinh Công Tường đang có một số cổ vật gốm sứ của thời Lý có thể coi là báu vật và ngay cả trong các bảo tàng lớn cũng chưa thấy có. Đó là các ché, ghè rượu cổ men nâu, bình đứng nước men ngọc, men lục…

          Những báu vật này có được là do anh từng nhiều năm lăn lộn tìm kiếm từ các những người đào được hay lưu trữ tại gia đình ở nhiều địa phương trong cả nước. Là người sưu tầm đồ cổ đã nhiều năm, có trong tay hàng trăm ngàn cổ vật, trong đó không ít những cổ vật quý hiếm, nhưng Đinh Công Tường luôn nâng niu quý trọng những món cổ vật gốm sứ thời Lý. Không phải vì đó là những món đồ độc nhất vô nhị mà anh cho rằng đó là những báu vật của quốc gia, là nơi lưu giữ hồn cốt, văn hóa dân tộc rất cần bảo tồn, lưu giữ cho muôn đời sau./.