Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh, xuất hiện ở trẻ từ khi mới sinh ra, do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Theo thống kê, có đến 5% trẻ sơ sinh (thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái) gặp phải tật dính thắng lưỡi trẻ em và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi tiêm chủng. Tật dính thắng lưỡi có thể phát hiện muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay chậm lên cân.
Tuy dị tật dính thắng lưỡi trẻ em không quá nguy hiểm, nhưng khiến công năng của lưỡi bị ảnh hưởng. Ðến nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị tật dính thắng lưỡi. Một số nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng rằng dính thắng lưỡi trẻ em bắt nguồn từ yếu tố di truyền.
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, tùy theo mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ mà tật dính thắng lưỡi sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động của lưỡi. Có thể hạn chế hoặc lưỡi của trẻ không thể đưa lên trên chạm vào vòm miệng, sang hai bên chạm vào niêm mạc má. Trẻ khi mắc tật dính thắng lưỡi trong thời kỳ bú mẹ sẽ dẫn đến tình trạng khó bú và gây đau núm vú cho mẹ. Trẻ bú bình rất chậm, thường cáu gắt và khóc vì không bú được. Do đó, trẻ thường chậm tăng cân hoặc không tăng cân. Ngoài ra, trẻ sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các động tác co lưỡi lên trên. Do đó, cử động nhai nuốt có nhiều bất thường, dễ bị khớp cắn hở. Lưỡi còn có vai trò đưa thức ăn sang hai bên khối răng hàm để nghiền. Khi dính thắng lưỡi, chức năng này bị hạn chế, lưỡi có thể bị cắn khi nhai.
Do vận động của lưỡi kém linh hoạt, khó khăn trong việc uốn cong hoặc đưa lưỡi ra phía trước, nên chức năng phát âm cũng bị ảnh hưởng. Trẻ mắc tật này nếu không điều trị sẽ dẫn đến việc trẻ khó khăn trong việc phát âm các âm quen thuộc như: t, l, ch, d, r… Mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Ở các trẻ nhỏ hơn 5 tuổi dễ nhận biết hơn. Trẻ khó nói, nhất là diễn đạt các câu nói phức tạp. Ở trẻ lớn thì biểu hiện mờ nhạt hơn, khi phát âm, hơi luồn sang hai bên má. Trẻ bị dính thắng lưỡi trong giai đoạn mọc răng có thể gây nghiêng răng cửa dưới hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa hàm dưới… Ðiều này gây mất thẩm mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động nhai nuốt và giọng nói. Ngoài ra, dính thắng lưỡi ngắn có thể gây co kéo, dễ gây viêm và tụt lợi ở mặt trong răng của hàm dưới.
Những dấu hiệu nhận biết dị tật dính thắng lưỡi khác nhau dựa theo độ tuổi và mức độ mắc phải bệnh. Cụ thể: Cử động của lưỡi bị hạn chế do dây thắng lưỡi ngắn; trẻ không thể thè đầu lưỡi qua khỏi môi; trẻ không thể đưa đầu lưỡi chạm đến vòm họng; khi khóc đầu lưỡi của trẻ có hình trái tim, có hình nhọn hoặc vuông khi trẻ nhỏ thè lưỡi; răng cửa ở hàm dưới của trẻ bị hở hoặc nghiêng do dính thắng lưỡi; trẻ gặp cản trở khi bú sữa và phát âm.
Tật dính thắng lưỡi có thể chia thành nhiều loại, có thể dính ít hoặc nhiều. Ðể biết trẻ bị tật ở mức độ nào cần phải dựa theo chiều dài của dây thắng lưỡi được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi, có các mức độ sau: Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16mm; Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11mm; Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng từ 3-7mm; Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm.
Điều trị tật dính thắng lưỡi ở trẻ thế nào?
BS Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Medlatec đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi nhận biết trẻ bị tật dính thắng lưỡi để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mức độ dính thắng lưỡi một cách chính xác. Từ đó xác định xem có nên cho trẻ phẫu thuật cắt không. Nếu trẻ mắc dị tật dính thắng lưỡi ở mức độ nhẹ và trung bình thì bác sĩ sẽ đánh giá, chẩn đoán và tiếp tục theo dõi thêm. Ða số những trẻ dính thắng lưỡi mức độ nhẹ gần như không chịu tác động bởi việc phát âm, ăn uống và có thể tự điều chỉnh.
Những trường hợp trẻ em có mức độ dính thắng lưỡi nặng và gây cản trở đến việc bú sữa thì cần tiến hành cắt sớm. Ðối với trường hợp dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ thì cần thực hiện phẫu thuật trước độ tuổi trẻ phát triển ngôn ngữ. Chỉ định phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ sẽ dựa trên sự ảnh hưởng đến quá trình bú sữa mẹ, trẻ phát âm và mức độ dính thắng lưỡi. Ðối với trường hợp trẻ bị ảnh hưởng nhiều đến việc bú sữa thì được yêu cầu phẫu thuật sớm. Khi dị tật này tác động đến việc phát âm thì cần được bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt đánh giá trước khi phẫu thuật để loại bỏ các khả năng trẻ bị khó phát âm khác.
Bên cạnh đó, phương pháp cắt dây thắng lưỡi còn dựa vào độ tuổi của trẻ. Ðối với trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi thì phải cố định thật chặt đầu của trẻ, chỉ được tiêm hoặc bôi tê cho trẻ, sau đó sử dụng dao điện để cắt thắng lưỡi. Trẻ có thể bú sữa ngay sau khi áp dụng kỹ thuật cắt này. Những trẻ lớn hơn thì có thể gây tê tại chỗ hoặc gây mê rồi sử dụng máy cắt/ dao mổ để phẫu thuật thắng lưỡi, sau đó khâu vết thương và vết thương sẽ lành sau vài tuần thực hiện phẫu thuật.
Cách chăm sóc trẻ sau phẫu thuật dính thắng lưỡi: Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt dính thắng lưỡi ở trẻ em thì ngay tại vị trí cắt sẽ thường xuất hiện vết màu trắng, tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng vì hiện tượng này sẽ hết sau một vài tuần. Ngoài việc tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ thì cần theo dõi và chăm sóc cho trẻ thật cẩn thận, không nên cho trẻ cắn hoặc ngậm các vật cứng để tránh tình trạng chảy máu, không cho trẻ sờ vào vị trí cắt để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, mỗi ngày cần vệ sinh miệng cho trẻ sau khi ăn và tập vận động lưỡi, cho trẻ uống nhiều nước để giúp làm sạch miệng.
Mặc dù phương pháp cắt thắng lưỡi đơn giản, tuy nhiên trong tình huống trẻ bị nhiễm trùng răng miệng hoặc mắc chứng rối loạn đông máu thì không nên tiến hành cắt. Bởi có thể gây chảy máu nhiều hoặc khiến vết mổ có nguy cơ bị nhiễm trùng nếu thực hiện phẫu thuật trong trường hợp này.