Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đồ sắc nhọn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em

Tai nạn thương tích gây nên bởi các vật sắc nhọn thường hay gặp ở trẻ em ở tất cả mọi lứa tuổi, ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Chấn thương do những vật sắc nhọn gây ra cho trẻ em có nhiều mức độ khác nhau. Nếu ở mức độ nghiêm trọng, trẻ em có thể bị khuyết tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

Tối 17/11/2021, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận thông tin một trẻ em 3 tuổi trên địa bàn huyện tử vong nghi do nuốt phải đinh vít. Theo đó, nạn nhân tử vong đang học ở Trường mầm non xã Hương Trà.

Sự việc xảy ra vào cuối buổi sáng 17/11, thời điểm này, trong quá trình học tại trường mầm non, một bé khoảng 3 tuổi (trú tại xã Hương Trà) không may nuốt phải đinh vít. Phát hiện sự việc, cháu bé nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Truy nhiên, cháu bé đã tử vong trước khi nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê. Qua kiểm tra, các bác sĩ có gắp ra từ họng nạn nhân một cái đinh vít xoắn, sắc nhọn dài khoảng 3cm.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi trẻ bị tai nạn thương tích từ đinh vít nhọn nói riêng và từ nnhững vật sắc nhọn nói chung. Thực tế, đã có không ít trẻ em bị thương, thậm chí tử vong khi chơi, nghịch với những vật dụng này. Bạn chỉ cần vào Google tìm kiếm với cụm từ “trẻ em bị tai nạn với đồ sắc nhọn”, chỉ trong 0,58 giây đã cho 858.000 kết quả. Những vật dụng không thể thiếu trong gia đình và rất quen thuộc với trẻ như đũa, thìa, dĩa, kéo, dao, bút... có thể trở thành “vũ khí” gây hại cho trẻ nếu cha mẹ, người chăm sóc không cẩn trọng. Thậm chí, một cây xiên thịt nướng, một que kem, một cái đinh vít có thể khiến trẻ mất mạng.

Các vật được gọi là sắc nhọn khi chúng có ít nhất một đầu, một góc, một cạnh hay một diện nhỏ nhọn, sắc, không bằng phẳng..., có thể làm rách, cắt, cứa đứt hay đâm thủng da, cơ, thậm chí cả xương, khớp của cơ thể.

Cha mẹ cần dạy trẻ cách sử dụng đồ sắc nhọn an toàn. Ảnh: Đức Anh

Cha mẹ cần dạy trẻ cách sử dụng đồ sắc nhọn an toàn. Ảnh: Đức Anh

Phòng tránh tai nạn từ vật sắc nhọn thế nào?

Trẻ em thường hiếu động, thích khám phá và không ý thức được hiểm họa rình rập khi chơi với những món đồ như đũa, dĩa, thìa hay cây tăm hoặc cái đinh vít... Phần lớn những tai nạn này đều bắt nguồn từ sự lơ là, chủ quan của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ. Sự bất cẩn, lơ là dù chỉ một tích tắc của người lớn cũng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Để bảo vệ trẻ khỏi những tai nạn từ vật dụng sắc nhọn, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần:

- Luôn để ngoài tầm tay với của trẻ tất cả những vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm như: đũa, thìa, dao, kéo, dùi, đục, kim băng, đinh...

- Bao bọc các đầu mút sắc nhọn của các đồ vật, dụng cụ trong nhà.

- Không được cho trẻ vừa ăn vừa ngậm đũa, dĩa, thìa, tăm hay các vật nhọn khác.

- Tuyệt đối không được để trẻ đùa nghịch, chạy chơi khi đang cầm đũa, thìa, kéo hay đang ăn kem, kẹo mút, xiên thịt…

- Không nên để trẻ ăn các loại thức ăn có thanh xiên, que tre. Người lớn có thể lấy thanh xiên ra và đưa riêng đồ ăn cho trẻ.

- Giải thích cách dùng và những nguy hiểm nếu có của đồ vật sắc nhọn cho trẻ hiểu.

- Cần dạy trẻ cách sử dụng an toàn và cách phòng tránh tai nạn đối với các vật dụng trong nhà để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình.

Cha mẹ bên cạnh để mắt, giám sát con nhiều hơn thì cũng cần trang bị kiến thức cơ bản về vui chơi an toàn cho con trẻ. Ngoài ra, cũng cần khuyên bảo, răn đe và giúp trẻ tiên lượng trước những nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn và những hậu quả của nó để lại… Đặc biệt, cần dạy trẻ tuyệt đối không được chơi trò để đồ sắc nhọn dưới ghế của bạn bè hay bất kỳ ai vì rất nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp học sinh bị tai nạn nặng, phải nhập viện điều trị dài ngày khi bị bạn bè trêu đùa, nghịch dại để bút, thướng kẻ, vật sắc nhọn dưới ghế.

Cách sơ cứu khi bị vật sắc nhọn đâm

- Không nên cố rút vật nhọn ra nếu nó đã cắm sâu vào cơ thể, vì có thể khiến vết thương trầm trọng hơn và chảy nhiều máu.

- Dùng một miếng gạc hoàn toàn vô trùng bọc xung quanh vật nhọn.

- Đặt các tấm lót chèn xung quanh vật nhọn để nó không di động.

- Hạn chế tối đa việc vận động mạnh.

- Đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp vật  nhọn đâm nông (dưới 1cm), có thể rút ra trực tiếp bằng tay. Phải rửa sạch tay trước khi chạm vào vết thương. Nếu vết thương chảy ít máu, để vùng đang chảy máu dưới vòi nước mát trong vài phút. Không cọ vết thương khi rửa vì có thể làm vết thương nặng hơn. Không dùng miệng để hút chất bẩn trong vết thương. Sử dụng dụng cụ vô trùng để lau khô và ngay sau đó dùng băng chống thấm nước che phủ vết thương, tránh nhiễm trùng và bụi bẩn xâm nhập, nhất là khi bị đâm ở lòng bàn chân hoặc tay. Sau khi xử lý vết thương, nên đến cơ sở y tế để tiêm uốn ván dù vết thương nhỏ hay lớn.

Đối với trường hợp trẻ nuốt phải những vật sắc nhọn như đinh, vít, tăm, kim băng…, tuyệt đối tránh việc tìm cách gây nôn và không được làm những thủ thuật cố đưa dị vật ra vì sẽ gây tổn thương thêm mà cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.