Mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị
Theo báo cáo mới này, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ 3% trong khu vực đã giúp 655 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo trong vòng 2 thập kỷ qua. Nhưng số dân sống tại các khu ổ chuột trong khu vực cũng cao nhất thế giới: 250 triệu người sống trong điều kiện nhà ở tồi tàn, thiếu các dịch vụ cấp thiết, và chịu nhiều rủi ro, ví dụ rủi ro lũ lụt.
Đô thị hóa trong khu vực giúp 655 triệu người thoát khỏi đói nghèo (Ảnh minh họa)
WB cho rằng, nếu không mở rộng cơ hội cho lớp người nghèo tại các đô thị thì tiềm năng tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng. Tại các nước thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, đô thị hóa cho mọi người đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.
Trong các thập kỷ 1970 và 1980 kinh tế Singapore đã tăng trưởng trung bình 8%/năm, phần lớn là nhờ vào một chiến lược đô thị đúng đắn đã tạo ra một hệ thống hạ tầng hiệu quả, nhà ở và dịch vụ xã hội giá rẻ.
“Các nước Đông Á đã đạt thành tích phát triển kỳ diệu. Thách thức chung đối với chúng ta là mang đến cơ hội cho mọi đối tượng sống tại các thành phố – từ lao động nhập cư sống tại các khu ngoại ô tới các công nhân làm việc trong các xí nghiệp không đủ lương để trả tiền thuê nhà – để họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình đô thị hóa và đóng góp, làm cho tăng trưởng mạnh hơn nữa,” bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB, khu vực Đông Á TBD nói.
Một số khó khăn mà tầng lớp nghèo đô thị gặp phải bao gồm: không có việc làm, giao thông công cộng, các vấn đề hạ tầng khác, và nhà ở giá rẻ. Tại Ulaanbaatar, Mông-cổ, người thu nhập thấp phải trả tới 36 % chi tiêu hàng tháng của họ cho đi lại vì hệ thống giao thông công cộng chưa hiệu quả.
Tại Indonesia và Philippines, tỉ lệ dân số đô thị không có công trình vệ sinh công cộng phù hợp lần lượt là 27% và 21%. Những người sống tại các khu ổ chuột chịu nhiều rủi ro thảm họa hơn do các khu này thường nằm tại các khu vực thấp, dễ bị lũ lụt.
Báo cáo kêu gọi chính quyền các thành phố áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều trong công tác quy hoạch, trong đó phải tính đến các vấn đề kinh tế, quy hoạch vùng, hòa nhập xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Đến 2018, khoảng 1,2 tỉ người nghèo toàn thế giới tập trung ở đô thị
“Đô thị hóa nhanh vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nếu giúp tầng lớp thu nhập thấp được hưởng dịch vụ giao thông và nhà ở giá rẻ thì họ sẽ dành được nhiều nguồn lực hơn cho giáo dục con cái. Nếu thực hiện các chương trình an sinh xã hội thì sẽ giúp được các gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn của họ, ví dụ sau khi bị thiên tai,” bà Judy Baker, Chuyên gia phát triển đô thị của WB và là tác giả chính của báo cáo nói.
“Các giải pháp về tăng trưởng đô thị hòa nhập không phải là loại có thể áp dụng bất kì chỗ nào, nhưng đó là các giải pháp thực dụng, hiệu quả, và cần thiết nếu muốn tạo ra một tài sản chung to lớn và tốt đẹp hơn”, bà Baker nhấn mạnh thêm.
6 trong số 10 siêu đô thị của thế giới nằm tại khu vực Đông Á, nhưng tình trạng nghèo đô thị thể hiện rõ nét hơn tại các thành phố hạng 2, và chính các thành phố loại này lại đang giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn. Vào năm 2010 các thành phố cỡ nhỏ và trung bình chiếm 1/4 tổng số các thành phố trong khu vực.
Báo cáo đề xuất 10 nguyên tắc chung có thể áp dụng vào các hoàn cảnh cụ thể. Các nguyên tắc đó gồm: kết nối người nghèo với thị trường lao động; đầu tư vào quy hoạch đồng bộ; đảm bảo cung cấp đất và nhà ở giá rẻ; tôn trọng quyền của mọi người dân đối với thành phố;
Cùng với đó, xác định đối tượng khó khăn trong số người nghèo đô thị; tăng cường quản trị địa phương và hoan nghênh sự tham gia của người dân; và đầu tư vào hệ thống số liệu và thông tin giúp thực hiện ra quyết định dựa trên bằng chứng.
Báo cáo của WB cho biết, hiện nay có 75 triệu người trong khu vực có mức sống dưới 3,10 USD/ngày. Ba nước chiếm tỉ trọng lớn về số người nghèo trong khu vực gồm Trung Quốc, Indonesia và Philipine.
Đến năm 2018, một nửa số người nghèo trong khu vực, tức là 1,2 tỉ người hoặc 1/3 số người nghèo toàn thế giới, sẽ nằm tại địa bàn đô thị.