Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện làm trưởng đoàn
Mỗi năm, Bộ tiếp khoảng 1.000 lượt công dân
Tại buổi làm việc, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ LĐTBXH luôn xác định việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng và phải do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. “Nếu không làm tốt công tác này thì xã hội sẽ bức xúc, nếu làm tốt thì bức tranh xã hội sẽ ấm hơn, yên hơn. Thời gian qua, nhận thức của lãnh đạo, của toàn ngành có bước chuyển biến, do đó cùng với công việc chung của ngành, công việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến rõ rệt”, Bộ trưởng khẳng định.
Thời gian qua, Bộ trưởng đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác này. Cụ thể, đã ban hành Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/12/2015 hướng dẫn quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thuộc trách nhiệm và Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, đơn, thư của cử tri do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến; đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thiết lập 03 số điện thoại để tiếp nhận thông tin, giải đáp chế độ, chính sách đối với tổ chức và công dân.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian qua, ngành có chuyển động lớn ở khâu tập trung tiếp công dân, giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo, không để đơn thư tồn đọng.
Hằng năm, Bộ xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng, niêm yết công khai tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử molisa.gov.vn của Bộ. Bộ giao Thanh tra Bộ LĐTBXH thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở số 02 Đinh Lễ, Hà Nội. Ngoài ra, tại khu vực phía Nam, Bộ cũng bố trí cán bộ tiếp dân và tiếp nhận đơn thư thuộc thẩm quyền tại Đại diện Văn phòng Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ số 45 Phạm Ngọc Thạch, quận 3. Bộ đã phối hợp tốt với Thanh tra Chính phủ, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan ban ngành trong việc tiếp nhận và xử lý đơn của công dân.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Là một Bộ có lĩnh vực quản lý nhà nước rộng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực này thường xuyên thay đổi, ở mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau, nhất là lĩnh vực người có công; mỗi khi có chính sách, văn bản pháp luật được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, mở rộng hoặc thu hẹp đối tượng thụ hưởng đều dẫn đến việc gia tăng số lượng công dân gửi đơn hoặc trực tiếp đến Bộ.
Trung bình mỗi năm, Bộ tiếp khoảng 1.000 lượt công dân. Trong kỳ báo cáo, Bộ đã tiếp 984 lượt người, công dân đến Bộ trình bày chủ yếu về lĩnh vực người có công (70,6%), lĩnh vực bảo hiểm xã hội (17,5%), các lĩnh vực khác (11,9%). Tổng số đơn tiếp nhận là 4.286 đơn, trong đó: Khiếu nại 471 đơn; tố cáo 723 đơn; kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách 3.092 đơn (chủ yếu về lĩnh vực người có công 68,66%; lĩnh vực bảo hiểm xã hội 9,97%; các lĩnh vực khác 21,37%). Tổng số đơn đã xử lý đạt tỷ lệ 100% tổng số đơn đã nhận.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà
Thông qua đơn thư của dân, thúc đẩy chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành
Đoàn giám sát đánh giá cao về công tác giải quyết đơn thư và khiếu nại tố cáo của Bộ LĐTBXH. Ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng ban Dân nguyện, thành viên đoàn giám sát đánh giá: số lượng đơn thư, số lượng đoàn tiếp của Bộ LĐTBXH chỉ sau Bộ Xây dựng, điều đó chứng tỏ nhiệm vụ của Bộ rất nặng nề, vất vả, nhưng Bộ làm rất tốt công tác này, thể hiện ở vị trí đặt địa điểm Tiếp công dân ngay cổng Bộ, rất thuận lợi cho công dân. Đồng thời có sự phân công các lĩnh vực rành mạch, rõ ràng...
Đoàn cũng ghi nhận và biểu dương Bộ LĐTBXH đã thiết lập 3 đường dây nóng, chủ động xây dựng phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp nâng cao hiệu quả công tác xử lý đơn, giảm thời gian xử lý đơn từ 10 ngày theo quy định xuống còn 05 ngày. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, “Chừng nào người dân còn tìm đến Bộ là chừng đó còn niềm tin vào Đảng, Nhà nước, còn có hy vọng tìm chỗ bấu víu, và trong 2 năm vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, phụ trách lĩnh vực này cũng rất sâu sát, nắm chắc các vấn đề của Bộ”.
Đồng tình với đánh giá của các thành viên trong đoàn, Trưởng đoàn giám sát Đoàn Thanh Hải ghi nhận những thành tích, kết quả của Bộ LĐTBXH, đặc biệt là đánh giá cao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã rất tâm huyết, dầy công nghiên cứu, đầu tư thời gian cho lĩnh vực này. “Phương pháp tiếp công dân của Bộ LĐTBXH là tốt nhất trong các bộ chúng tôi đã giám sát về cơ sở vật chất, khối lượng công việc, hiệu quả và sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng”, bà Hải nói.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã làm rõ thêm một số nội dung mà đoàn giám sát yêu cầu. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, ngành có chuyển động lớn ở khâu tập trung tiếp công dân, giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo, không để đơn thư tồn đọng. Đi liền với việc giải quyết đơn thư, người đứng đầu phải rất khách quan, giải quyết thấu tình đạt lý. Với các vụ việc sai phạm, nếu phát hiện là xử lý nghiêm, không bao che, dung túng cái xấu.
“Thông qua đơn thư của dân, Bộ cũng giải quyết được nhiều khúc mắc, nhiều vấn đề của xã hội, qua đó thúc đẩy chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng đề nghị, Ban Dân nguyện xây dựng phần mềm quản lý các đơn thư khiếu kiện kéo dài để kịp thời giải quyết đơn của công dân và hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng và xử lý tình huống trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thảo Vân/GĐTE - Ảnh: M.Dũng