Chiều ngày 10/10, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Lễ bế mạc kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Anh Dũng - Trưởng Ban Tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 - cho biết: “Kỳ thi năm nay có số nghề và thí sinh dự thi đông hơn nhiều kỳ thi trước đây. Đặc biệt, công tác tổ chức tốt đã giúp các kết quả thi có chất lượng cao hơn”.
Ban tổ chức trao Bằng khen cho các thí sinh tại Lễ bế mạc
Đồng thời, Kỳ thi đã đạt được 3 mục tiêu được Bộ LĐ-TB&XH đề ra trước đó. “Đó là tạo sân chơi cho các thí sinh so tài, tăng cường sự hợp tác giữa các nhà trường, tiếp tục lựa chọn các thí sinh xuất sắc tham gia công tác huấn luyện để chuẩn bị dự Kỳ thi tay nghề ASEAN tới đây” - ông Trương Anh Dũng cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) - cho biết thêm: “7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn) đều được tổ chức thành công”.
Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 diễn ra từ 28/9 - 10/10 tại Hà Nội và Lạng Sơn với chủ đề “Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng”, thu hút có 474 dự thi, trong đó có 466 thí sinh dự thi ở 31 nghề thi chính thức, 8 thí sinh dự thi ở 3 nghề trình diễn đến từ 49 đoàn.
Đây là những nghề có nhu cầu lao động lớn, một số nghề phục vụ cho công nghiệp phù trợ, nên việc tổ chức thành công các nghề mới này là động lực tốt cho việc phát triển đào tạo và kỹ năng nghề ở những nghề này tốt hơn trong thời kỳ mới.
“100 % các chuyên gia đều được tổ chức tập huấn khi tham gia kỳ thi này, nên tính chuyên môn, chuyên nghiệp tại kỳ thi đảm bảo cao và không có trường hợp nào bị sự cố về an toàn sức khỏe lao động, tính kỹ thuật được đề cao” - ông Nguyễn Chí Trường cho biết.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị đề thi, ông Nguyễn Chí Trường cho biết: “34 đề của Kỳ thi năm nay có độ khó, độ phức tạp và khối lượng lớn hơn các kỳ thi trước đây, có nghề gấp 3 lần và tiệm cận với trình độ ASEAN và thế giới (trước đây thời gian thi từ 5-8 tiếng là tối đa, hiện nay tối thiểu là 12 tiếng và tối đa 15 tiếng).
Ban tổ chức trao Bằng khen tới các thí sinh
Theo đó, các công nghệ yêu cầu sử dụng trong đề thi năm nay hầu hết được dựa theo yêu cầu tại kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới năm 2018 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan và 2019 tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga
Do vậy việc chuẩn bị của các trường đăng cai có những khó khăn, đặc biệt là các nghề mới công nghệ cao như Tự động hóa Công nghiệp, Bảo trì máy CNN, Kết nối vạn vật IOT, Phay CNN, Tiện CNN, Công nghệ ô tô đơn vị đăng cai phải huy động từ một số đơn vị khác nhau, hoặc phải mua sắm vật tư, vật liệu nhập khẩu nên rất khó khăn cho công tác chuẩn bị. Đồng thời phải thi sớm, thi nhiều ca do thí sinh dự thi đông.
“Kết quả kỳ thi cũng là tiền đề vững chắc để Ban tổ chức tiếp tục lựa chọn thí sinh xuất sắc thành lập đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN tại Singapore dự kiến diễn ra vào tháng 4/2021 và Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc diễn ra vào tháng 9/2021 tới đây”, ông Nguyễn Chí Trường nhấn mạnh.
Đoàn Hà Nội dẫn đầu về thành tích
Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao nhiều hàng mục giải thưởng: 122 thí sinh đạt giải Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc; 69 thí sinh đạt huy chương Đồng; 28 thí sinh đạt huy chương Bạc, 71 thí sinh đạt huy chương Vàng và 10 Đoàn có thành tích cao nhất.
Trong số 10 đoàn có thành tích cao nhất, đoàn Hà Nội dẫn đầu với 23 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 9 huy chương đồng. Tiếp sau là các đoàn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Bộ Xây dựng, Vĩnh Phúc, Bộ Công thương và Đồng Nai.
Theo Kim Anh/Dantri