Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đoàn kết trong mất mát, đau thương!

 
Máy bay CASA - 212 số hiệu 8983 gặp nạn. Ảnh: KT
 
Cả nước khắc khoải dõi theo vụ tai nạn kép
 
Tai nạn trong lao động sản xuất, trong luyện tập chiến đấu là điều không tránh khỏi. Điều này diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất nhì trái đất là Mỹ, Nga. Với Việt Nam chúng ta - một nước nghèo và khá lạc hậu nhưng vị trí địa lý và hoàn cảnh buộc chúng ta phải có quân đội hiện đại và có sức mạnh (theo trang “Hỏa lực toàn cầu” sức mạnh quân sự của Việt Nam xếp thứ 17 trong số 126 nước) để bảo vệ vững chắc mặt đất, bầu trời, biển đảo của Tổ quốc. Trong điều kiện như vậy, tai nạn thỉnh thoảng xảy ra là điều phải chấp nhận.
 
Lần này hơi đặc biệt vì đây là tai nạn kép, chỉ trong mấy ngày chúng ta mất hai máy bay và những con người ưu tú. Điều làm mọi người thổn thức và đau đớn là máy bay thứ hai gặp nạn bởi vì đi cứu nạn máy bay thứ nhất. Hơn nữa, trên chiếc máy bay tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 mới mẻ và hiện đại này có tới 9 sĩ quan. Nhiều người ước rằng, phải chi chiếc máy bay này không cất cánh vào ngày hôm đó, không phải tức tốc bay đi cứu hộ, cứu nạn! Thật ra, dù nguy hiểm đến mấy thì họ vẫn cất cánh, vẫn ra biển để kiếm tìm đồng đội - quân đội ta có nguyên tắc không bỏ đồng đội trong hoạn nạn, trong chiến đấu, cũng như trong diễn tập.
 
Vì vậy, để tìm kiếm hai máy bay và các chiến sĩ gặp nạn, quân đội đã huy động hàng ngàn chiến sĩ, hàng trăm phương tiện kỹ thuật vào cuộc. Điều này có sức lay động trong nhân dân, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân tự nguyện tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Hàng triệu người ngày đêm theo dõi tin tức qua những đội cứu hộ, cứu nạn; những ngư dân trên biển. Đội ngũ nhà báo bám sát hiện trường, kịp thời thông tin đến người dân trong cả nước từng diễn biến nhỏ nhất của việc tìm kiếm. Rất nhiều người dân, dẫu họ sống ở trong Nam hay ngoài Bắc, sẵn sàng làm những việc giúp ích cho gia đình những người bị nạn. 
 
 
 
Người dân vô cùng thương tiếc đến tiễn đưa Đại tá, phi công Trần Quang Khải. Ảnh: KT
 
Thể hiện trách nhiệm, tình thương bằng những việc làm cụ thể
 
Giúp đỡ - yêu thương - đùm bọc - chia sẻ - động viên… trong hoạn nạn là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Điều này lại được thể hiện rõ ràng bằng những việc làm cụ thể trong những ngày này. Trước hết, đó là khi biết tai nạn xảy ra, hầu hết tàu thuyền đánh cá của ngư dân ở vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình đã có ý thức quan sát, tìm kiếm. Chính vì vậy mà Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được cứu sống. Các ngư dân cứu sống được phi công Cường cho biết: Vào đêm 14/6, qua hệ thống radio, họ biết có máy bay gặp nạn. Vào rạng sáng ngày 15/6, khi đang chuẩn bị giăng lưới thì nghe có tiếng kêu cứu thất thanh. Họ đưa thuyền tiến lại phía có tiếng kêu cứu thì phát hiện phi công Cường và nhanh chóng đưa anh lên thuyền.
 
Phi công Trần Quang Khải không được may mắn như phi công Nguyễn Hữu Cường, dù anh cũng được tàu cá của ngư dân tìm thấy vào chiều 17/6, nhưng lúc này sự sống đã rời bỏ cơ thể anh. Những việc Đảng và Nhà nước, đồng bào và chiến sĩ làm được cho anh chỉ là gượng nhẹ đưa anh vào bờ, trang trọng làm lễ truy điệu, đưa anh về với quê hương, bản quán; phong quân hàm đại tá cho anh. Với vợ con anh, chính quyền và nhân dân làm được nhiều hơn: Vợ anh, chị Trần Thị Hà được đặc cách tuyển vào biên chế chính thức làm giáo viên dạy tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội); Tập đoàn Mường Thanh tặng căn hộ cho vợ con anh (cho đến giờ phút này, vợ con anh vẫn ở nhà thuê tại Hà Nội), Công ty TransViet Group nhận đỡ đầu con của Đại tá, phi công Trần Quang Khải tới năm 18 tuổi…; các ban, ngành từ trung ương đến địa phương tới thăm hỏi, động viên cha anh, các chị, em của anh…
 
Trong hàng chục triệu người Việt Nam, không thể tránh khỏi đôi ba người có quan điểm khác, ý kiến khác, thái độ khác trong việc ứng xử với gia đình những người bị nạn. Nhưng chúng ta cũng đừng quá quan tâm tới họ! Có khi họ cũng là người tốt nhưng chỉ muốn nổi tiếng bằng cách nói ngược với đại đa số mọi người. Tuy nhiên, họ lại không hiểu rằng, sự ngược ngạo này của họ chạm vào nỗi đau của rất nhiều người.
 
Hãy hướng về tương lai!
 
Việc 10 sĩ quan - những người ưu tú được đào tạo bài bản trong binh chủng đầy tính kỹ thuật là không quân - hy sinh và mất tích là tổn thất to lớn đối với quân đội Việt Nam. Đây cũng là sự mất mát lớn, nỗi đau khôn cùng của 10 gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội của họ. Kể cả những người không thân thiết, không quen biết với họ cũng đã rơi lệ trước những ngày đau thương này. Nhiều bài thơ, câu văn, nốt nhạc đã ra đời để cầu mong cho các anh gặp may mắn, được siêu thoát.
 
Trong những ngày này, nhịp điệu cuộc sống hình như hơi chùng xuống, im lìm, thắc thỏm, buồn đau, sâu lắng… mặc dù giải đấu bóng đá Vô địch châu Mỹ, châu Âu đang diễn ra sôi động. Nhưng ai cũng biết, cuộc sống không dừng lại, cuộc sống kêu gọi chúng ta biến đau thương thành những hành động cụ thể để hướng tới tương lai. Quân đội có lẽ cũng đã rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc qua hai vụ tai nạn thảm khốc này. Việc khắc phục những sai sót, yếu kém chắc chắn sẽ được tiến hành, nhưng đây là bí mật quân sự, công chúng không thể biết và cũng không có quyền được biết.
 
Cái chúng ta có thể làm là kêu gọi nhau mọi người hãy bình tĩnh, tỉnh táo trong đau thương; tìm mọi cách để nỗi đau dịu đi. Điều quan trọng là chúng ta tạo mọi điều kiện để những đứa con của những người lính đã hy sinh hôm nay có điều kiện bình đẳng với những đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ trong việc học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí.
 
Chúng ta tin rằng, tương lai các con của những người hy sinh trong tai nạn hôm nay được bảo đảm. Hơn thế nữa, lớn lên, họ sẽ nối gót cha anh, làm tiếp công việc đầy hiểm nguy, gian khó nhưng vô cùng vinh quang. Chúng ta có cảm giác rằng, trong những ngày này, khối đoàn kết dân tộc được củng cố thêm một bước.
 
 
Đoàn công tác Bộ LĐTBXH do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung dẫn đầu tới thăm hỏi và trao quà cho gia đình Đại tá, phi công Trần Quang Khải tại Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Quốc Khánh
 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Đền ơn đáp nghĩa không chỉ trong quá khứ mà còn hiện tại và cho tương lai của dân tộc

Trả lời các phóng viên báo, đài nhân chuyến về thăm và tặng quà gia đình Đại tá, phi công Trần Quang Khải tại Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chia sẻ: Việc đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách người có công không chỉ trong quá khứ mà còn hiện tại và sâu xa hơn nữa là lo cho tương lai của dân tộc, để giáo dục thế hệ trẻ. Bộ trưởng mong muốn những người làm chính sách thương binh và xã hội cần có trách nhiệm nhiều hơn nữa đối với Tổ quốc và nhân dân, chăm lo tốt hơn cho những người có công, thực thi chính sách một cách thận trọng, có hiệu quả, làm việc bằng chính lương tâm và trách nhiệm của mình. Theo Bộ trưởng, công tác chăm sóc người có công cần được thực hiện quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em