Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Doanh nghiệp hậu Covid-19: Lối mở trong xu hướng mới

(Dân sinh) - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2/7, dự báo tình hình Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, phần lớn thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam còn lún sâu trong khủng hoảng. Do vậy, việc mở cửa thị trường thế giới cần thận trọng.

Doanh nghiệp hậu Covid-19: Lối mở trong xu hướng mới - Ảnh 1.

Khó khăn trong hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp Việt Nam thời hậu Covid -19 cũng có những cơ hội nhất định.

Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu Covid-19” chiều 2/7, các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích, dự báo xu hướng thị trường trong bối cảnh hậu Covid-19, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,7%, đây là mức tăng khá thấp nhưng vẫn được xem là mức cao ở châu Á. Việt Nam đã tạm thời kiểm soát thành công dịch Covid-19 và bước vào giai đoạn phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. "Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế phải đặt trên bối cảnh như vậy” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Khống chế thành công dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái "bình thường mới". Doanh nghiệp tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng.

Cũng theo ông Lộc, động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. “Năm 2016 có làn sóng xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong thông tư của bộ, ngành. Đây là làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đầu tiên. Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh thư hai là xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh trong 2018. Năm nay khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN”, ông Lộc nhấn mạnh.

Để làm được điều này, TS Lộc cho rằng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Hiệp hội trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid sẽ đóng vai trò trung tâm giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.

Hiện nay, thế giới có 6 xu thế phát triển chính, bao gồm: Xu thế về địa - chính trị; xu thế toàn cầu hóa và hội nhập; cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ số; đô thị hóa và cách mạng tiêu dùng theo hướng xanh, an toàn, nhân văn, cá tính; công cụ tài chính - tiền tệ ngày càng tinh vi; biến đổi khí hậu, năng lượng mới và cạnh tranh nguồn lực. Song, ông Thành cho rằng, bên cạnh các xu thế trên cũng tồn tại rất nhiều rủi ro, bất định.Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng; những dự báo, tầm nhìn dài hạn của các đơn vị hàng đầu như IMF, World Bank cũng đã không còn chính xác. Tại nhiều quốc gia, dự tính tăng trưởng trong khoảng và sự rà soát thường xuyên được diễn ra. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ đã đặt ra những chiến lược kinh doanh ngắn lại, không quá 3 năm.

Ông Hoàng Đức Hùng,Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí. Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi, ví dụ chi phí thuê văn phòng.Trong khi đó, một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp, ví dụ tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc.

Và như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng.

Ở góc độ hợp tác quốc tế, ông Vũ Tú Thành, Phó Gám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch Covid-19.

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường đầu tư, tức là đưa việc sản xuất ra các thị trường ngoài Trung Quốc. “Xu hướng này đã bắt đầu 6 năm trước, thương chiến Mỹ - Trung khiến xu hướng này trở lên mạnh mẽ và càng mạnh mẽ hơn trong đại dịch Covid-19” - ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thành, năm 2019, kim ngạch hàng hoá Mỹ nhập khẩu từ các nước châu Á đạt giá trị 31 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm 46%. Điều này cho thấy, Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng dịch chuyển, mở rộng đầu tư, đa dạng hoá ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, sau Covid-19, câu chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc được nhắc đến nhiều nhưng chuỗi cung ứng này không chỉ về riêng Việt Nam và nếu về Việt Nam thì chúng ta cũng cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, sự giảm xuất nhập khẩu cũng là điều khó tránh khỏi, bởi khi đại dịch vẫn còn diễn ra thì việc nhập khẩu nguyên liệu là điều rất khó khăn. Vậy trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng khai thác dịch chuyển đầu tư thương mại.

Ngoài ra, ông Minh Anh cũng lưu ý doanh nghiệp phải chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc, bởi đây là nơi có nguồn nguyên liệu và kênh nhập khẩu. Đồng thời, khai thác hiệu quả cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại.