Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nêu ý kiến này tại hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp”, tổ chức tại Hà Nội ngày 26/3.
Ông Vương Đình Huệ chia sẻ thêm: “Cá nhân tôi không thích cụm từ ‘Nhà nước tháo gỡ khó khăn’ mà điều quan trọng là ta không nên để cơ chế, chính sách nào đó chưa hợp lý được ban hành, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rồi ra tay tháo gỡ”.
Phân định rõ vai trò Nhà nước dẫn dắt kiến tạo
Ông Vương Đình Huệ cho rằng việc đối thoại tháo gỡ về chính sách (như gỡ vướng mắc về thủ tục kinh doanh, thuế…) là cần thiết nhưng việc đó chỉ là để hoàn thiện những chính sách chưa đầy đủ. Quan trọng nhất là đối thoại giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải đạt tầm theo phương thức “win-win” (cùng thắng), qua đó nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Khi trao đổi với đại diện Ngân hàng Thế giới, Thủ tướng cũng đã nói chúng ta phải khai thác các nguồn lực tối đa cả nội lực và ngoại lực để phát triển. Nhà nước phải đóng vai trò bà đỡ, đặc biệt là giai đoạn đầu của doanh nghiệp. Chúng ta nên nhận thức đúng hơn vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta khẳng định vai trò của Nhà nước là dẫn dắt và phục vụ doanh nghiệp. Vai trò của thị trường là phân bổ. Vai trò phát triển là dựa trên đổi mới và sáng tạo”, ông Vương Đình Huệ dẫn lời Thủ tướng Chính phủ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định Nhà nước có vai trò dẫn dắt, xây dựng thể chế phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Thị trường cần làm tốt vai trò phân bổ có hiệu quả nhất các nguồn lực trong phát triển kinh tế, tạo động lực đổi mới, sáng tạo.
Chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh sản phẩm, đây là ba yếu tố tương hỗ không thể tách rời. Dù thế nào thì muốn cạnh tranh, vẫn phải có các thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
Theo ông Vương Đình Huệ, chúng ta cần học hỏi đầy đủ các kinh nghiệm quốc tế, trong đó có Israel, một quốc gia nhỏ bé với 60% diện tích đất sa mạc, thiếu nước, lại luôn đối mặt với tình hình an ninh khó khăn những đã vươn lên với triết lý thế mạnh duy nhất là dựa vào yếu tố con người.
Chúng ta cũng cần có các quy định cụ thể liên quan đến khuyến khích khởi nghiệp, nghiên cứu sáng tạo thực chất, gắn liền với thương mại hóa; cần nghiên cứu chính sách về đầu tư mạo hiểm, trong đó có phương án Nhà nước có thể góp vốn. Nhà nước có thể chấp nhận rủi ro với tỉ lệ nhất định để ươm mầm những dự án thành công. Tất nhiên, việc triển khai cần có sự quản lý giám sát minh bạch, chặt chẽ.
Về phát triển doanh nghiệp tư nhân, ông Vương Đình Huệ cho rằng chúng ta đã có nhiều chủ trương, nhưng điều quan trọng hiện tại là phải có hành động cụ thể, đưa chủ trương chính sách vào cuộc sống. Vì vậy, có thể nói giải pháp của mọi giải pháp là cần tăng cường trách nhiệm giải trình của các cấp, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước”. Do đó, tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ đề nghị các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý tập trung phân tích, đánh giá làm rõ hơn một số nhóm vấn đề Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề cập.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh Diễn đàn doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không thể thụ động trông chờ
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh chúng ta có thời cơ thuận lợi hơn nhiều nước trong khu vực khi Hiệp định TPP đã được ký kết và TPP chưa mở rộng thành viên.
Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành quốc gia có thể chế được xếp hạng tiên tiến, ông Lộc mong muốn Chính phủ “một tay tạo môi trường bình đẳng, tay kia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó cũng là sứ mệnh của mọi Chính phủ”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần chọn những doanh nghiệp có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Từ đó chúng ta mới có những doanh nghiệp mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia.
Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế cũng phải nâng tầm, thay đổi quản trị và nắm bắt tốt thông tin về thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, liêm chính, có như thế mới bắt kịp yêu cầu của giai đoạn mới.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái) kiến nghị cần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp một cách mạnh mẽ, bài bản và hiệu quả, không chỉ bằng các nguồn lực Nhà nước mà còn bằng các nguồn lực khác; xã hội hóa công cuộc khởi nghiệp bằng cách kêu gọi các doanh nhân thành công tham gia giúp đỡ, kèm cặp các doanh nhân khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Đoàn đề đạt “nên cho phép cộng đồng doanh nghiệp được phản biện, giám sát và chấm điểm các cơ quan công quyền để làm cơ sở đánh giá việc thực thi cải thiện các chất lượng dịch vụ cũng như làm cơ sở cho việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ”.
Từ góc độ chuyên gia, GS. Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương) phân tích không có một nước nào trên thế giới phát triển đi lên bằng doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI mà phải là doanh nghiệp tư nhân. Nếu doanh nghiệp tư nhân èo uột thì không thể phát triển được. Chúng ta đang được khích lệ là Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII coi doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng. Nhưng để nội dung trên đi vào cuộc sống, phải có khung pháp luật cụ thể, theo hướng Nhà nước thực hiện đúng chức năng phục vụ doanh nghiệp và chức năng này phải là chức năng quan trọng nhất, cùng với đó là loại bỏ cơ chế “xin-cho”.
Tại hội thảo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng chất lượng thể chế đóng vai trò cạnh tranh, vai trò mấu chốt trong xã hội. Trong đó, thái độ của Chính phủ đối với thị trường tự do, quản lý điều tiết, sự minh bạch, sự độc lập của hệ thống tư pháp sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo bà Victoria Kwakwa, cần kết nối các thị trường, cải thiện cơ sở hạ tầng đồng thời giúp giảm nghèo, bình đẳng và cần quan tâm tới giáo dục. Vì nền kinh tế đòi hỏi những người có trình độ, người dạy nghề, qua đó nâng cao tay nghề cho lao động.
Để làm được những việc này đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Chủ trì hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết các kiến nghị, giải pháp sẽ được tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Huy Thắng (Chinhphu.vn)