Đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh)
Dự thảo Chính phủ trình với 121 điều, ông Minh đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên ông cũng cho rằng có khá nhiều nội dung chưa rõ.
Ví như về xác định thị phần, "khoản 1 điều 10 dự thảo quy định xác định thị phần dựa vào tỷ lệ doanh thu, doanh số bán ra mua vào. Trên thực tế thì cách tính này tùy các xác định sẽ cho kết quả khác nhau.
Mỗi kết quả khác nhau đều tác động đến doanh nghiệp khác nhau. Do thị phần tính toán ngành nào có căn cứ hết sức quan trọng trong việc xác định thống lĩnh thị trường, trách nhiệm với việc thông báo cơ quan quản lý kinh tế", ông Minh nói.
"Trong khi đó dự thảo luật không có bất kỳ chỉ dẫn nào hay hướng dẫn khi nào sử dụng phương pháp tính toán nào và cơ quan nào, ai là người có thẩm quyền quyết định dự toán doanh thu. Việc thiếu quy định sẽ rất ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực thi sau này", ông Minh cho biết.
Do vậy để hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, đại biểu này đề nghị cần quy định rõ hơn các vấn đề này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)
Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật này trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đang vấp phải cạnh tranh khốc liệt về giữ thị phần với các thị trường nước ngoài và ngay trên chính thị trường của mình.
Theo ông, chúng ta không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài và sẵn sàng đối xử tốt với họ miễn là tuân thủ luật pháp, các hàng rào kỹ thuật của quốc gia. Nhưng vấn đề là hàng trăm tỷ đô la xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỷ đô la đầu tư FDI, hàng trăm tỷ đô la đầu tư gián tiếp 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực nền kinh tế Việt Nam?
“Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ rõ, chúng ta đã mất rất nhiều tài nguyên, mất rất nhiều lao động giá rẻ, mất rất nhiều ưu đãi về thuế, đất cát cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp FDI như: chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn…
"Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước thì bị hạch sách, nhũng nhiễu, có trường hợp không có “phong bì” thì không qua được các “cửa ải” hành chính", ông Nghĩa đau xót.