Chủ động thích ứng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và các thành viên Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) đã đoàn kết, nắm bắt thời cơ; vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay; thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực.
Theo đó, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và các quốc gia ASEAN nói riêng. Bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nặng nề với tăng trưởng âm, thương mại sụt giảm nghiêm trọng, thị trường tài chính biến động, đứt gãy các chuỗi cung ứng… tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội ASEAN, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Do đó, sự thích ứng trong trạng thái bình thường mới cần thiết đối với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp và người dân.
Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Việt Nam nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng". Từ Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (6/2020), phụ nữ các nước khu vực ASEAN nói chung, nữ doanh nhân nói riêng đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ với khẳng định cam kết của ASEAN vào nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, các chuyên gia kinh tế Việt Nam, ASEAN và thế giới, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân nữ ASEAN cùng nhau thảo luận tích cực, thẳng thắn nội dung các chủ đề cấp bách, thiết thực của Hội nghị; từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị, trình Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và các hội nghị cấp cao ASEAN có liên quan; góp phần xây dựng ASEAN vì "một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng gắn kết và thịnh vượng".
Tăng cường kết nối kỹ thuật số
Tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới trong thị trường lao động và khu vực tư nhân là một chính sách kinh doanh khôn ngoan. Bà chia sẻ dữ liệu về sự ảnh hưởng của đại dịch covid 19 tới một nền kinh tế Asean đã đe dọa tới các tiến bộ đạt được trong thực hiện bình đẳng giới như thế nào.
Đồng thời, bà Victoria Kwakwa cũng đưa ra dẫn chứng về các thức trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thông qua việc làm, khởi nghiệp và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, đây cũng chính là một trong số các giải pháp vượt qua thời điểm chưa từng có. Bà Kwakwa khuyến nghị các doanh nhân nữ Asean tiếp tục tăng cường kết nối kỹ thuật số.
Còn Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, đại dịch tác động nặng nề đến ngành may mặc, du lịch, giáo dục, đặc biệt với phụ nữ. Do đó, cần tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, theo báo cáo của UNESCAP, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đang tăng lên đáng kể với 61,3 triệu doanh nhân nữ. Vì vậy, tăng cường khả năng kinh doanh của phụ nữ không chỉ giúp họ tăng cường quyền năng kinh tế của mình mà còn góp phần vào sự phát triển thịnh vượng, bao trùm cho cả xã hội. Tuy nhiên phụ nữ phải đối mặt trong kinh liên quan đến vấn đề năng lực tiếp thị, nguồn vốn, kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Trong bối cảnh xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, phụ nữ còn ở vị thế khó khăn hơn so với nam giới nên cần phải được tăng cường phát triển các kỹ năng về kỹ thuật, công nghệ và thông tin nhằm tận dụng và phát huy tốt hơn tiềm năng quản trị doanh nghiệp và phát triển nghề nghiệp của họ.
Chia sẻ thông điệp của Hội nghị thượng đỉnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Mạng Doanh nhân nữ ASEAN đã khẳng định: "Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam cũng như ASEAN và được tiên phong bởi cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta cần phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể và xây dựng các quan hệ đối tác hiệu quả, củng cố tình đoàn kết và thống nhất trong đa dạng để nhân lên sức mạnh và sự năng động của Mạng Doanh nhân nữ ASEAN".
Tham dự Hội nghị, các chuyên gia, diễn giả tham dự 4 phiên họp: "Chủ động thích ứng với đại dịch COVID-19"; "Thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi toàn diện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ"; "Đầu tư thông minh qua lăng kính giới"; "Thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả thông qua các mạng lưới".
Tại đây, Hội nghị thông qua một số khuyến nghị về cải thiện cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt nguồn tài chính từ Chính phủ, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội cho nữ doanh nhân; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực, cơ hội tiếp cận công nghệ mới, trang bị kiến thức, công cụ kỹ thuật số cho nữ doanh nhân; từng bước chuyển đổi số cho doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ; xây dựng hệ sinh thái đáp ứng giới để phát triển doanh nghiệp; tăng cường chính sách tài chính quốc gia, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế để khuyến khích tạo thị trường vốn, thúc đẩy đầu tư thông minh qua trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ...
Việc hình thành Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) là sáng kiến của Việt Nam và đã được VCCI hiện thực hóa thông qua vai trò chủ đạo của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC). Trong suốt 6 năm kể từ khi thành lập, AWEN được coi là ngôi nhà chung để các nữ doanh nhân góp tiếng nói trong việc hoạch định chính sách cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế của các nước ASEAN. "Trong thời gian tới, tôi mong rằng AWEN sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay để kết nối các nữ doanh nhân trong khu vực, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế ASEAN theo hướng đổi mới, bao dung và ứng phó phù hợp với môi trường kinh doanh khó lường.
Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc