Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ tìm nguồn vắc xin phòng chống dịch COVID-19

Lãnh đạo 9 hiệp hội doanh nghiệp (DN) lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày, gỗ, sữa… cùng kiến nghị được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vắc xin, chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động để sớm khôi phục sản xuất.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19" ngày 28/5 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng hàng chục hiệp hội, doanh nghiệp tham gia. Sự kiện thể hiện sự cấp bách trong việc tìm giải pháp để hành động nhanh hơn.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lan nhanh, nhiều doanh nghiệp phải tính đến ngừng hoạt động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, thì việc tiêm chủng vắc xin là yếu tố then chốt đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện Eurocham - cho rằng lực lượng lao động hoạt động trong doanh nghiệp cần là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin. Từ đó, Chính phủ cùng doanh nghiệp đồng hành để tìm nguồn vắc xin sớm nhất, chia sẻ chi phí và ngân sách tiêm chủng cho người lao động.

Bà Hồng Hạnh, thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam và là thành viên nhóm công tác Liên hiệp hội dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ, đề xuất cơ chế doanh nghiệp có thể tham gia, tạo thuận lợi cho các công ty, tập đoàn tư nhân, các FDI có các mối quan hệ được cùng Chính phủ tìm kiếm nguồn cung vắc xin và thương thảo hợp đồng. Nguyên tắc thực hiện là Bộ Y tế sẽ kiểm định chất lượng, cấp phép và triển khai mọi hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tiêm.

Về các mức độ ưu tiên được tiêm, theo đại diện doanh nghiệp, có thể xem xét mức độ ưu tiên theo thứ tự như: ưu tiên trước hết cho những vùng có dịch, nơi có khả năng bùng phát dịch lớn và sau đó mới đến những vùng có nguy cơ thấp. Cần ưu tiên trước hết cho các khu công nghiệp lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp lớn có quy mô hơn 500 người lao động, sau đó đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các khu công nghiệp nhỏ và cuối cùng là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Mong chờ có cơ chế được ủng hộ xã hội hóa cho tiêm vắc xin, sẵn sàng chi trả để chung tay cùng Chính phủ, ông Trần Quang Trung - chủ tịch Hiệp hội Sữa VN - đề nghị VCCI cần sớm có buổi làm việc với Bộ Y tế, Chính phủ bàn thảo kỹ hơn về vấn đề này. Lãnh đạo VCCI cho hay, VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị và đề xuất có buổi làm việc với Thủ tướng, Ban Chỉ đạo COVID-19 và Bộ Y tế để sớm có giải pháp thiết thực nhất.

Gần đây, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam cũng kiến nghị kêu gọi Chính phủ đi xa hơn và nhanh hơn, khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân, cho phép các công ty tự bỏ ra chi phí để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên của họ. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của Chính phủ.