Thông tin trên được Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết tại họp báo chiều 14/5. Theo đánh giá của cơ quan này, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu cạnh tranh không bình đẳng, thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới.
Theo Bộ Tài chính, có dòng sản phẩm sữa công thức giảm tới 34% nhờ công tác bình ổn giá. (Ảnh MH Internet)
Bên cạnh đó, 70% nguồn nguyên liệu sữa sản xuất trong nước vẫn là nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí, nhiều nguồn nguyên liệu để sản xuất cũng như sản phẩm sữa thành phẩm đều nhập từ đối tác được chỉ định từ nước ngoài trực tiếp. Bộ Tài chính xem đây là những dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, đây mới chỉ dừng lại ở những "nghi vấn". Vị này cũng cho biết chưa thể trả lời khi nào có kết luận cuối cùng về những doanh nghiệp chuyển giá, bởi đây là công tác đòi hỏi cần sự cẩn trọng.
Cũng tại cuộc họp báo này, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục bình ổn giá sữa thông qua áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đến hết năm 2016. Việc này nhằm thu hẹp phần nào khoảng cách giữa giá sữa trong nước và thế giới. Cơ quan này cũng dẫn những số liệu từ AC Nielsen cho thấy, giá bán trung bình trên kg của sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam là 16 USD, cao hơn mức 14 USD của Thái Lan, 12,9 USD của Philippines, 10,9 USD và 9,5 USD của Malaysia, Indonesia.
Ông Đỗ Anh Tuấn cũng cho hay, sau khi yêu cầu các doanh nghiệp kê khai lại giá, giá các sản phẩm sữa giảm từ 0,1 đến 34%, tùy từng dòng sản phẩm, trong đó chủ yếu giảm 10-15%.