Tỷ lệ được giao bình thường theo hợp đồng chỉ đạt 30 - 50%
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics. Do vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.
Về từng mặt hàng cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD. Tăng trưởng xuất khẩu tôm chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản tăng 16%. Trong khi đó, xuất tôm sang Trung Quốc giảm 37%, sang EU giảm 15%. Với cá tra, giá trị xuất khẩu trong 2 tháng qua chỉ đạt 210 triệu US, giảm 32%. Trong đó, Trung Quốc giảm mạnh nhất, tới 52%; EU giảm 40%; Mỹ giảm 27%, ASEAN giảm 19% ....
Xuất khẩu hải sản 2 tháng đầu năm giảm 7%. Trong đó, giảm mạnh nhất là mực bạch tuộc, cá ngừ, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Dịch covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp hải sản. Nhiều doanh nghiệp hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng xuất khẩu bị giảm đáng kể hoặc bị hủy.
Theo khảo sát của VASEP, do ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp thủy sản hiện chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động.
Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng nhiều là châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga ... cũng có đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên. Đặc biệt tại thị trường Châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.
Doanh nghiệp thủy sản cần sự hỗ trợ để vượt khó
Các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng không nhỏ do các hãng tàu biển thu hẹp lượng tàu và bỏ chuyến. Do đó, hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước khác (kể cả đi Mỹ hay EU...) bị kéo dài, đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giao hàng và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc ...) nên nhiều khi các container hàng nguyên liệu đã về cảng nhưng doanh nghiệp không đưa được hàng về vì chưa nhận được chứng từ gốc của nhà xuất khẩu gửi. Quá trình xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì nguyên nhân chứng từ gốc đến chậm hơn các container hàng…
Cũng do Covid-19, doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu lại giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.
Theo VASEP, trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn lớn do Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện nhiều giải pháp để cầm cự, chờ cơ hội thị trường. Các doanh nghiệp tôm hiện đang tập trung vào 2 giải pháp căn bản: Phân bổ tài chính, nguồn lực để có thể vượt qua thời gian cầm cự này cùng người nuôi, khách hàng, đảm bảo đơn hàng; cân đối lại cơ cấu thị trường, không tập trung vào một số thị trường như trước đây, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Thực tế cho thấy vẫn đang có những cơ hội thị trường cho ngành thủy sản, nhất là khi dịch bệnh lắng xuống ở các thị trường quan trọng. Từ tháng 3, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu có các đơn hàng trở lại. Theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%. Cá tra xuất sang EU chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm. Do đó thị trường này là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại về xuất khẩu, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực.
Với ngành tôm, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6, tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.
Các doanh nghiệp thủy sản rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, các quy định nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp… để "cầm cự" qua giai đoạn khó khăn, chờ cơ hội phát triển.