Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Doanh nghiệp trở tay không kịp khi bị dừng xuất khẩu gạo

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan chỉ đạo dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan với các lô hàng gạo xuất khẩu sau 0h ngày 24/3. Chỉ đạo này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Chia sẻ với VnExpress, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nói bất ngờ trước thông báo này. Ông cho biết, doanh nghiệp không hề biết trước về sẽ tạm ngừng xuất khẩu, chỉ khi hàng ra tới cảng, mở tờ khai mới được hải quan thông báo. Hiện một số lô hàng xuất đi Philippines, Malaysia... của doanh nghiệp trị giá gần 2 triệu USD đang "mắc kẹt" tại cảng Sài Gòn, không xuất đi được.
 
"Hàng đã ký hợp đồng, đã mở LC, tiền đã nhận mà không giao đúng hẹn thì không những mất uy tín, doanh nghiệp có thể đối mặt với kiện tụng từ đối tác, bạn hàng. Thiệt hại rất lớn", ông lo lắng. 
 
 


Công nhân bốc vác gạo trong kho tại một nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Reuters
 
Tổng giám đốc Hapro nói đồng tình việc hạn chế xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhưng thông báo đưa ra quá gấp theo ông, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
 
Lãnh đạo Công ty TNHH Cỏ May cũng cho biết đang phải ngưng 4 container gạo xuất sang Australia, khoảng 86 tấn, trị giá 1,2 tỷ đồng. Theo lịch tàu, đơn hàng sẽ được xuất vào cuối tháng 3, nhưng vì công văn hỏa tốc của hải quan công ty ngay sau đó phải ngưng giao hàng.
 
"Quyết định này không chỉ khiến đơn hàng dở dang mà còn gây mất niềm tin với đối tác. Trong khi đó, để có đơn hàng xuất khẩu chúng tôi phải chuẩn bị cả tháng, tốn rất nhiều nhân công và chi phí", lãnh đạo Cỏ May nói.
 
Tương tự, hai đơn hàng của Tập đoàn Lộc Trời đang trên đường ra cảng xuất khẩu cũng buộc phải nằm chờ ngay khi có công văn hoả tốc dừng mở tờ khai từ 0h ngày 24/3. Họ buộc phải thương lượng với đối tác và chưa biết họ sẽ phản ứng ra sao. 
 
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp gạo cho rằng chính sách đưa ra không nên quá đột ngột. Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng Chính phủ nên có lộ trình dừng xuất khẩu phù hợp và tránh sốc như cách điều hành hôm qua.
 
Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Hapro đề nghị, chỉ nên dừng các lô hàng ký kết sau ngày 24/3, còn những hợp đồng đã ký kết trước phải giải quyết cho doanh nghiệp để tránh gây thiệt hại về vi phạm hợp đồng, chi phí phát sinh...
 
Còn lãnh đạo Công ty Cỏ May đề xuất, Chính phủ nên cho phép tiếp tục xuất khẩu đến hết tháng 4, hoặc đầu tháng 5 để doanh nghiệp bớt khó khăn.
 
Mặc dù vậy, ông Huỳnh Văn Thòn nhìn nhận, quyết định trên của cơ quan Nhà nước cũng dựa trên tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay.
 
Ông nói, tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, thương lái đang đầu cơ tích trữ đẩy giá lúa "nhảy múa" liên tục. Còn các thị trường trên thế giới đang thiếu nguồn cung nên nếu "tham lam" trong xuất khẩu thì trong nước có thể gặp khó dù nguồn cung dự báo tăng. 
 
Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, sau nhiều cân nhắc, Thủ tướng hôm 23/3 quyết định yêu cầu tạm hoãn xuất khẩu gạo khi lượng xuất khẩu gạo Việt Nam tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm. Một số nước tăng mua tích trữ, có thị trường xuất khẩu tăng tới 7 lần so với cùng kỳ, như Trung Quốc.
 

Tới nay, sau một ngày hải quan dừng thông quan các lô xuất khẩu, Bộ Công Thương đã xin Chính phủ cho hoãn lại việc này và Thủ tướng đang xem xét. 

Theo Anh Minh - Thi Hà/Vnexpress.net