Bộ TT&TT cho biết, hiện chỉ có 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp game G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) có hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi G1. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán để phát hành game không phép (Vụ Rikvip của Công ty CNC là trường hợp điển hình). Đáng chú ý, gần 87% là trò chơi phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm gần 69%. "Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở nước ta hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận", đại diện Bộ TT&TT nhận định.
Những năm gần đây, game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam. Theo khảo sát sơ bộ của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thì doanh thu từ game lậu chiếm 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép này. Để thu hút người chơi, một số doanh nghiệp game lợi dụng hoạt động các chương trình khuyến mại (quay số may rủi) đã được cấp phép cho game, đặc biệt là các game bắn cá để thực hiện hành vi trả thưởng cho người chơi game (là một hình thức đổi thưởng), vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Doanh thu từ việc tải xuống các ứng dụng này ước khoảng 161 triệu USD. Top 10 các ứng dụng được tải nhiều nhất chủ yếu là game, các mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, ứng dụng chiếu phim Netflix… Điều này cho thấy các ứng dụng được tải và quan tâm nhất hiện nay chủ yếu là các dịch vụ nội dung.
Trách nhiệm của các kho phân phối ứng dụng còn chưa được quy định cụ thể. Đây là lý do giải thích cho sự xuất hiện của nhiều ứng dụng vi phạm pháp luật trên 2 "ứng dụng" của Google và Apple, trong đó có cả các tựa game không phép. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng để game lậu vượt qua hàng rào quản lý, vẫn thu phí người chơi tại Việt Nam là nhờ các hình thức thanh toán đa dạng.
Thực tế cho thấy, người chơi có thể dễ dàng trả phí cho nhà phát hành ứng dụng thông qua các dịch vụ ngân hàng (thẻ tín dụng, ATM), các ví điện tử, tài khoản viễn thông và qua các cổng trung gian thanh toán đang được kết nối trên các kho ứng dụng. Nhiều đơn vị trung gian thanh toán không thực hiện việc rà quét, sàng lọc để đảm bảo chỉ các ứng dụng/game hợp pháp mới được thanh toán. Điều này đã khiến công tác quản lý và ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, Bộ TT&TT đã ra quyết định đình chỉ 3 tháng đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng của Công ty Cổ phần Gold Game Việt Nam. Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử cũng quyết định đình chỉ Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng của doanh nghiệp này trong 3 tháng do công ty này có những vi phạm.
Để khắc phục thực tế này, Bộ TT&TT đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một phần không nhỏ trong nội dung của Nghị định này bao gồm các điều khoản sửa đổi, bổ sung đối với những quy định về việc quản lý hoạt động của các trò chơi điện tử trên mạng. Việc ban hành Nghị định này sẽ bổ sung những công cụ pháp lý và chế tài cần thiết để các cơ quan chức năng có thể xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.