Những chiếc bẫy đá thần kỳ
Từ những tính năng, sự độc đáo của những chiếc bẫy đá, hầm chông, mà anh hùng Pi Năng Tắc đã sáng tạo để tiêu diệt địch, nên đến nay làng bẫy đá Pi Năng Tắc đã được công nhận là Di tích quốc gia. Ông Pi Năng Hưng, một trong những người du kích năm xưa cho biết, ở vùng rừng núi Bác Ái này khó khăn và khắc nghiệt, địa hình hết sức hiểm trở, bốn bề đều có rừng núi bao bọc.
Những dãy núi đá sừng sững có thể thành những rào chắn vững chắc. Địa thế này có thể che chở và bảo vệ được nhiều đơn vị bộ đội của ta trong các cuộc kháng chiến. Bởi vậy, quân Mỹ - ngụy luôn tìm mọi cách chiếm được thung lũng Bác Ái để làm nơi tập hợp quân rồi mở rộng đánh phá ra các vùng lân cận. Chúng liên tục ráo riết cho máy bay rà trên cao và bất ngờ thả xuống hàng trăm tiểu đội đánh bộ hòng bất ngờ luồn vào các bản làng ở Bác Ái để đánh úp bộ đội cũng như truy quét người dân.
Chân dung anh hùng Pi Năng Tắc.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Mỹ - ngụy càng ráo riết tập kích vào Ninh Thuận hơn, với những loại vũ khí tối tân, chúng tấn công liên tục lên các vùng rừng núi như Ninh Sơn, Bác Ái. Đầu năm 1958, các cuộc tấn công ngày càng tàn bạo hơn. Lúc này, một người đàn ông gan dạ, có sức mạnh phi thường đó là Pi Năng Tắc đã hùng hồn đứng lên tuyên bố với các buôn làng ở Bác Ái, dù có phải mất mát, hy sinh cũng không được để cho địch chiếm mất buôn làng.
Chúng là những kẻ xấu, chỉ muốn hại người. Sau đó, hàng đêm, Pi Năng Tắc tập hợp các thanh niên trai tráng luyện võ, vót chông và học cách ngụy trang để ẩn nấp trong các cánh rừng già đánh tỉa địch. Pi Năng Tắc đã luồn qua nhiều cánh rừng, những núi đá treo leo để tìm và bắt liên lạc với bộ đội chủ lực của ta. Những đêm khuya nằm nghỉ tạm bên vách đá bắt ngang qua những con đường mòn độc đạo, trong đầu Pi Năng Tắc lóe lên ý tưởng, lấy những thứ dây rừng bền nhất kết nối với những loại câu nhỏ và rắn rỏi kết thành những chiếc giàn, treo lơ lửng trên không rồi chất đầy đá tảng, đá cục lên đó. Sau đó dụ địch vào, chỉ cần cắt dây, hàng trăm khối đá rớt xuống sẽ đè nát chúng.
Anh hùng Pi Năng Tắc nhận được nhiều phần thưởng cao quý.
Khi bắt được liên lạc với tổ chức, trình bày các ý tưởng của mình, Pi Năng Tắc cùng với bộ đội, du kích... làm hàng loạt chiếc bẫy đánh tan tác nhiều trung đội của địch, đốt cháy và phá hủy nhiều lán trại tập trung của Mỹ - ngụy. Có những tốp lính Mỹ đang hành quân trong đêm với súng ống, bỗng từ trên đầu hàng trăm cục đá rớt xuống đè cho tử trận. Quân địch điên cuồng mở các cuộc càn quét, Pi Năng Tắc càng bình tĩnh và sáng tạo hơn. Ông hướng dẫn du kích tỉ mỉ cách tạo ra những chiếc bẫy đá. Quanh những giàn đá còn phải ngụy trang khéo léo để địch không nghi ngờ. Cùng với đó, Pi Năng Tắc còn cho vót hàng ngàn chiếc chông đặt dưới các hố sâu rồi rải lá mục lên trên. Những chiếc cung lắp sẵn tên độc cũng được các cung thủ của Pi Năng Tắc tạo ra và ẩn nấp trong rừng để bất ngờ tiêu diệt địch. Cứ thế, những chiếc bẫy đá của Pi Năng Tắc đã nghiền nát hết toán địch này đến toán khác. Có nhiều khu vực, làm bẫy đá rất khó khăn, Pi Năng Tắc cùng đồng đội thâu đêm đào vách núi, dựng các cây gỗ lớn làm giàn, xếp đá lên trên, có lẫy bằng tre gỗ, có thể giật lẫy là cả núi đá hộc, đá hòn lăn xuống giết giặc.
Những chiến công lẫy lừng
Quân Mỹ - ngụy ngày càng bị tiêu hao lực lượng. Chúng ráo riết treo thưởng cho ai bắt được Pi Năng Tắc và phá được các thế trận bẫy đá lẫn cung tên của ông, nhưng không tài nào lùng bắt được người chiến sỹ kiên trung Pi Năng Tắc. Những chiến công lẫy lừng liên tục được ông cùng đồng đội lập nên.
Khu bẫy đá Pi Năng Tắc đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Tiêu biểu như ngày 10/8/1961, Mỹ - ngụy cho một tiểu đoàn lính ngụy, một đại đội lính Bảo an, rồi cả lính Mỹ cùng tổ chức trận càn lớn lên Bác Ái, quyết tiêu diệt bằng được Pi Năng Tắc, cùng các du kích và bộ đội của ta đang hoạt động trong vùng rừng núi đó. Nắm được tình hình quân địch sẽ trả đũa nên Pi Năng Tắc đã kêu gọi mọi người rút lên núi cao. Từ trên núi cao, 3 tổ du kích được Pi Năng Tắc bố trí phục kích. Sau đó, ông ra dụ địch vào con đường mòn có hệ thống bẫy đá và cung tên đã bài trí sẵn. Hơn 100 tên chết thảm, ta thu 5.000 viên đạn, 27 khẩu súng và nhiều quân trang, quân dụng khác.
Đến năm 1967, ở Bác Ái đã huy động hơn 10.000 lượt đồng bào vót và bố phòng nhiều hầm chông, làm 350 mang cung, xây dựng trên 50 bẫy đá. Các bẫy đá đều được giao cho Pi Năng Tắc hướng dẫn làm. Sau đó tổ chức đánh 61 trận chống càn, tiêu diệt hơn 1.000 địch, riêng việc dùng bẫy đá, hầm chông giết được hơn 300 tên. Những chiếc bẫy đá của Pi Năng Tắc ngày càng lợi hại hơn, sáng tạo hơn. Ông Pi Năng Thềm ở Phước Bình cho biết: “Khi ấy tôi được Pi Năng Tắc vận động tham gia du kích. Ban đầu cũng thấy sợ súng ống và vũ khí của quân địch tối tân quá làm sao mà chống được. Nhưng Pi Năng Tắc quả quyết đã có đường lối của tổ chức chỉ đạo, đã có hệ thống bẫy đá, hầm chông và những con người dũng cảm thì địch nhất định phải thua. Thế là tôi tham gia. Chứng kiến nhiều cuộc tiêu diệt địch để chúng không còn làm điều ác ôn nữa thấy trong lòng vui lắm. Quân Ngụy rất ám ảnh và gọi những chiếc bẫy đá của Pi Năng Tắc là “giàn quái vật” khiến chúng kinh hồn bạt vía, mỗi lần nhắc đến là giật mình”.
Khu núi từng được Pi Năng Tắc biến thành vũ khí tiêu diệt địch.
Sau ngày giải phóng, Pi Năng Tắc tiếp tục đi làm nhiệm vụ tìm hài cốt đồng đội và tham gia rà phá bom mìn, ông mất năm 1977. Đến nay, nhiều người dân ở Bác Ái nhớ đến ông như nhớ đến một người hùng của các buôn làng. Nhiều gia đình người Rắk Lây còn tự hào sao tấm hình chân dung của ông để treo trong nhà. Bà Đạo Thị Chung, ở Phước Bình cho biết: “Pi Năng Tắc được chúng tôi xem như là biểu tượng của buôn làng, là sức mạnh, là người tiếp lửa cho lòng yêu nước của bao thế hệ. Pi Năng Tắc cũng là biểu tượng của sự dũng mãnh như cây lim, cây sến trong rừng”.
Với lòng yêu nước, sự dũng cảm và những cống hiến của mình cho cách mạng, Pi Năng Tắc đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 3 Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…và nhiều phần thưởng cao quý khác. |