Là một dân tộc rất yêu thích nghệ thuật múa, nên bất cứ ở phum, sóc nào vào dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ooc – om – bok (cúng trăng), đám cưới, mừng nhà mới…thì múa là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với đồng bào Khmer Nam bộ. Đối với họ, không có múa là bất thành lễ hội.
Có thể nói trong bất kỳ sự kiện nào có tính chất vui mừng trong cộng đồng phum, sóc đồng bào Khmer đều có tổ chức múa tập thể, với những điệu múa truyền thống như điệu Răm vông, Sarikakeo, Saravan… Đó là những điệu múa dân gian với những động tác khá đơn giản, thoải mái, phóng khoáng, lạc quan yêu đời, dễ học, được phổ biến rộng rãi, nên trong cộng đồng dân tộc Khmer Nam bộ, dường như với bất cứ ai khi đã trưởng thành cũng đều biết và thể hiện được.
KhI tiếng trống, tiếng đàn vang lên từng đôi nam, nữ già có, trẻ có cùng nhau bước vào vòng nhảy thật uyển chuyển say mê, tạo nên một không khí giao lưu vui tươi tưng bừng hào hứng đầy phấn chấn mang tính cộng đồng đoàn kết và thân ái.
Múa dân gian
Khác với múa dân gian kể trên, hình thái múa sân khấu cung đình phát triển theo chiều hướng diễn tả nội tâm mang tính mô phỏng và ước lệ cao, với những động tác từ hình thể tay, chân đến nụ cười, ánh mắt đều phải thể hiện rất bài bản theo đúng chuẩn mực cổ điển. Như thể hiện các hình tượng về linh vật: Chim thần (Krud), tiên (Kenâr), rắn thần, khỉ thần, rồng, Apsara, dâng hoa và đặc biệt là sự kết hợp giữa ca với múa trong các vở ca kịch cổ điển nổi tiếng: Rô băm, Riềm kê, Rataravong, sự tích Chol Thnăm Thmây…. Muốn thể hiện thành công những vũ điệu ấy, có những động tác như tay, chân người nghệ sĩ phải công phu khổ luyện vài tháng ròng.
Để đánh giá người nghệ sĩ múa đã đạt tới đẳng cấp chuyên nghiệp hay chưa, người ta chỉ cần nhìn vào sự thể hiện của người nghệ sĩ qua từng chi tiết cụ thể chuẩn mực cổ điển ấy. Chính vì thế, đòi hỏi người nghệ sĩ múa phải có quá trình khổ luyện thật công phu ở trường lớp từ khi lên 5 – 6 tuổi, với sự chỉ giáo tận tình của những nghệ nhân, nghệ sĩ thật am tường, giàu kinh nghiệm.
Múa cung đình
Nghệ thuật múa cung đình Khmer vừa mang tính thiêng liêng tâm linh, vừa là nhu cầu sinh hoạt văn hóa mang đậm tính giáo dục và tinh thần nhân văn trong cộng đồng. Chính vì thế ngoài sự công phu trong khổ luyện, người nghệ sĩ múa luôn phải hết sức thành tâm và nhập tâm thì mới có thể truyền tải được cái hồn cốt tinh tế của từng vũ điệu.
Những năm 80 – 90 của thế kỷ XX, nghệ thuật múa sân khấu cung đình Khmer tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang…phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ có Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) và Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng có khả năng dàn dựng được loại hình múa sân khấu cung đình như Rô băm, nhưng chỉ ở dạng trích đoạn. Thông qua đó, khuyến khích sự tham gia của quần chúng, nhất là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm vừa tham gia dàn dựng những vở kịch múa mang tính kinh điển, vừa tham gia công tác đào tạo lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp trẻ, để tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo và công phu này, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm vườn hoa nghệ thuật múa muôn sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.