Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo nghề chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer Nam bộ

Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Khmer Nam bộ, có một số loại hình nghệ thuật như múa Sa dam, hát À day, ca kịch Rô băm và sân khấu Dù kê, người nghệ sĩ khi trình diễn đều phải sử dụng mão và mặt nạ. Chính vì thế, nghề chế tác mão, mặt nạ xuất hiện từ lâu đời, với nhiều thế nghệ nhân tài hoa đã chế tác ra những tác phẩm mão, mặt nạ rất công phu độc đáo và ấn tượng.

 

Theo một số nghệ nhân chế tác mão, mặt nạ danh tiếng ở Trà Vinh, để chế tác những chiếc mão, mặt nạ đòi hỏi ngưởi nghệ nhân phải am tường về từng vai diễn của từng loại hình nghệ thuật. Đồng thời người nghệ nhân phải có năng khiếu thẩm mỹ và nghệ thuật tạo hình cùng sự tỷ mẩn, công phu để thực hiện từng công đoạn trong quá trình chế tác mão, mặt nạ. Nghề chế tác mão và mặt nạ thường mang tính cha truyền con nối với nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Tất cả các công đoạn để hoàn thành nên một tác phẩm đều hoàn toàn bằng thủ công và phải thực hiện hết sức cẩn thận, tỷ mẩn trong từng chi tiết nhỏ. Tùy các loại mão, mặt nạ đơn giản hay phức tạp mà thời gian hoàn thành khác nhau. Các nghệ nhân ngày nay chủ yếu chỉ chế tác mão, mặt nạ khi có đơn đặt hàng của khách, hoặc vào dịp lễ hội truyền thống. Trước đây, để chế tác ra những chiếc mão , mặt nạo theo truyền thống, người nghệ nhân phải mất nhiều công sức và thời gian đề tìm nguyên vật liệu. Đó là keo dán, màu tất cả đều được tìm và chế từ tự các loại cây trái trong tự nhiên. Như keo dán lấy từ trái thon lop, màu tím từ cây sa ma krò sây, màu vàng từ nhựa cây Prô hút, màu xanh từ cây bồ ngót…

 

Nghệ nhân Lâm Phen đang truyền nghề chế tác mão. mặt nạ cho thế hệ trẻ

Ngày nay, những nguyên liệu kể trên đầu đã được thay thế bằng keo dán và màu công nghiệp, nên cũng thuận lợi hơn trong quá trình chế tác mão, mặt nạ. Những công đoạn như tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy, chạm khắc, tạo hình, sơn, vẽ hoa văn…có những công đoạn đã được các nghệ nhân thời nay cải tiến. Tỷ như trước đây thường đắp bằng vải, thì nay các nghệ nhân đã chuyển sang tận dụng giấy vé số đã xổ để đắp ít thấm nước và độ bền cao. Khuôn bằng xi măng nay cũng được thay thế bằng đất sét để khuôn sử dụng được nhiều lần. Trong các công đoạn chế tác, công đoạn tạo kiểu dáng và tạo màu sắc của mỗi loại mặt nạ, mão phải tuân thủ theo một quy chuẩn rất chặt chẽ, không thể sai phạm. Đó là mão cho các nhân vật như hoàng hậu,  công chúa, chằn đều phải tạo hình chóp nhọn, trên đỉnh đính hoa văn, tiêu biểu như hoa văn ngọn lửa biểu trưng cho sức mạnh quyền uy, hoa văn hoa lá biểu trưng cho sự sáng láng thanh cao… Đối với bộ mặt nạ Krap là mặt nạ hình người thể hiện sự hỉ, nộ, ái ,ố gồm 6 cái, màu da người hoặc trắng, mỗi cái có đặc điểm riêng, thể hiện tính cách riêng của từng nhân vật, như có cái miệng mèo, cái miệng rộng, cái mũi to, cái mắt hí, cái miệng không răng…Hiện nay số nghệ nhân am tường và còn tâm huyết với nghề chế tác mặt nạ, mão phục vụ cho biểu diễn một số loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam bộ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó có nghệ nhân Lâm Phen ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.