CHỮA BỆNH KHÔNG DÙNG THUỐC
Sau một thời gian thực hành luyện tập đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức khỏe bằng phương pháp DSTT, vào tháng 10/2006, Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương Cúc - Nguyễn Văn Quang và Vợ chồng bà Hà Thị Mau - Hà Văn Đông trở về Sông Hinh, Phú Yên cùng mở một điểm tập trong khoảng sân của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Đến tháng 12/2006, CLB DSTT thị trấn Hai Riêng ra đời. Ba năm sau, thêm một điểm tập được mở tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, do vợ chồng huấn luyện viên Hà Văn Đông - Hà Thị Mau phụ trách (ông Hà Văn Đông mất vào năm 2012 do tai nạn giao thông).
Hai điểm tập chính này của CLB DSTT thị trấn Hai Riêng (một hoạt động từ 4 giờ sáng, một hoạt động vào buổi tối) được duy trì từ đó đến nay, cùng với hai điểm tập tại nhà đã giúp rất nhiều người dân địa phương vượt qua bệnh tật. Chị Phan Thị Lộc ở khu phố 3, cho biết: “Tôi từng bị tai nạn giao thông rất nặng. Sau thời gian điều trị tại một bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, di chứng vẫn còn, tay chân tê liệt, không làm gì được. Tôi vô cùng tuyệt vọng, nghĩ mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Thật may mắn khi bà con đến thăm và cho tôi biết về điểm tập DSTT tại nhà cô Cúc chú Quang. Tôi tập DSTT từ tháng 8/2013 đến nay, di chứng tê liệt chân tay giảm đến 80%. Giờ tôi có thể đi đứng dễ dàng và tự mình làm việc được”.
Đến với phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc này, mỗi người mang theo một nỗi lo về bệnh tật. Các huấn luyện viên, hướng dẫn viên dùng đôi tay tác động lên những vùng bị đau trên cơ thể người bệnh, đồng thời khuyên họ nghĩ đến điều thiện, làm việc thiện, giữ cho tâm lành, khẩu lành, rồi hướng dẫn họ cách tự luyện tập.
Sau một thời gian, nhiều người đã thuyên giảm bệnh; không ít người khỏi hẳn. Ông Lê Công Trước (ở xã IaHru, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Năm ngoái, tôi thường xuyên hoa mắt, tức ngực, hoảng sợ và mệt mỏi. Nghe tin ở Sông Hinh có CLB DSTT chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc, tôi liền tìm đến, được huấn luyện viên Hà Thị Mau hướng dẫn tập luyện. Trong vòng 15 ngày, bệnh của tôi giảm hẳn”. Vô cùng vui mừng và cảm kích, ông Trước quyết định học phương pháp này để có thể giúp những người khác đẩy lùi bệnh tật. Chị Phạm Thị Thái, Phan Thị Lộc cũng “theo” DSTT và đã biết cách hướng dẫn người khác luyện tập theo phương pháp này.
Trong hàng chục người thường xuyên có mặt tại điểm tập ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh có hai bệnh nhân nhí, đều ở thị trấn Hai Riêng. Bé V.M.H (4 tuổi) chậm đi, chậm nói, sau một thời gian được mẹ đưa đến luyện tập nay đã đi lại nhanh nhẹn và nói được một số từ. Còn bé H.N (4 tuổi) có xương lưng bị cong, tay chân yếu, cũng nhờ DSTT mà xương lưng không còn cong, bé đi đứng vững vàng, nhanh nhẹn. Cha mẹ, gia đình hai bé cảm thấy rất vui.
Tập thể dục để chữa bệnh
ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHONG TRÀO PHÁT TRIỂN
Sông Hinh là nơi có phong trào luyện tập DSTT phát triển mạnh với một CLB và các điểm tập. Địa phương này hiện có lực lượng huấn luyện viên, hướng dẫn viên khá hùng hậu (12 người), từ những người kỳ cựu như bà Nguyễn Thị Hương Cúc, ông Nguyễn Văn Quang, bà Hà Thị Mau (tên thường gọi là Sương) đến các hướng dẫn viên “nối nghiệp” như bà Nguyễn Thị Thìn, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, bà Nguyễn Thị Phương Thúy… và một số hướng dẫn viên chưa nhận thẻ. “Họ làm việc hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi quyền lợi gì, dù là nhỏ nhất cho bản thân. Với tinh thần “Mình vì mọi người”, họ giúp bà con đẩy lùi bệnh tật, đem lại sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống” - bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ nhiệm CLB DSTT thị trấn Hai Riêng phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động DSTT vừa được tổ chức ở Hai Riêng.
Bên cạnh sự tâm huyết, hết lòng của các huấn luyện viên, hướng dẫn viên, phong trào luyện tập DSTT ở huyện miền núi Sông Hinh phát triển là nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Chính sự quan tâm đó đã khích lệ những người gắn bó với phương pháp này vượt qua khó khăn, tích cực làm việc thiện vì cộng đồng.
Tham dự hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của CLB DSTT, ông Nay Y Mau, Phó chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng, nói: “Ban chủ nhiệm CLB và các huấn luyện viên, hướng dẫn viên đã làm việc rất xuất sắc, thu hút đông đảo người bệnh đến luyện tập, đẩy lùi bệnh tật, giúp ích cho bà con, đặc biệt là các gia đình nghèo, gia đình khó khăn”.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên, phát biểu: “Huấn luyện viên, hướng dẫn viên ở các CLB DSTT trên địa bàn tỉnh, trong đó có thị trấn Hai Riêng đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, mang tâm sức của mình hướng dẫn bà con luyện tập, đẩy lùi bệnh tật, hiệu quả rất rõ rệt. Điều đó rất đáng trân trọng. Vẫn biết DSTT đang rất khó khăn về cơ sở vật chất từ tỉnh cho đến xã, thị trấn, song bằng tấm lòng thương người như thể thương thân, các huấn luyện viên, hướng dẫn viên hãy cố gắng đem khả năng của mình, sự hiểu biết của mình hướng dẫn bà con đẩy lùi bệnh tật, có cuộc sống tốt hơn”.