Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo sách kinh lá buông của người Khmer Nam bộ

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong hầu hết các ngôi chùa của người Khmer, đều lưu giữ những bộ kinh viết trên lá buông, trong số ấy đáng kể nhất là chùa Xà Tón (Xvay – ton) ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang), với khoảng 100 bộ kinh, có những bộ được ghi chép cách nay trên 1 thế kỷ.

 

Chúa Xà Tón, được ví như đền Bay on thu nhỏ trên đất An Giang được xây dựng vào năm 1696, trên khu đất rộng khoảng hơn 2 ha, ban đầu được lợp bằng lá, tường gỗ đơn sơ. Qua nhiều thời kỳ trùng tu, hiện nay chùa Xà Tón trở nên uy nghiêm, hoành tráng với nóc nhọn, mái cong theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của người Khmer Nam bộ, cùng sự hiện diện của hàng trăm gương mặt tượng thần Bay on 4 mặt có nụ cười đầy vẻ huyền bí.

                                        Những bộ kinh lá buông được lưu giữ ở chùa

Ngoài ra còn có hàng ngàn bức phù điêu thần Na ga (thần rắn) bảy đầu là linh vật tượng trưng cho sức mạnh và sự bất diệt được tạc tạo rất kì công, sinh động. Tuy nhiên, chùa Xà Tón hấp dẫn và in đậm trong tâm khản những du khách từng một lần ghé chiêm bái không chỉ ở những pho tượng cổ hàng trăm năm ấy, mà còn bởi nơi đây vẫn lưu giữ được khoảng hơn 100 bộ kinh lá buông quý hiếm.                              Kinh lá buông được lưu giữ như một báu vật  

 Dân tộc Khmer có chữ viết được hình thành từ rất sớm, nên khi chưa có giấy viết họ đã biết ghi chép kinh Phật, tiền sử tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca và những câu chuyện dân gian, câu đối, tục ngữ, ca dao, dân ca, thành ngữ…trên lá buông. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì sách lá buông (sách Sa Tra) thuộc loại thư tịch cổ của người Khmer Nam bộ, có một quy trình thực hiện rất công phu từ khâu chọn lựa lá buông, đến ghi chép, bảo tồn lưu giữ…

                                              Một trong những bộ kinh lá buông cổ 

Cây buông có hình dáng giống như cây cọ và cây thốt nốt, trước đây mọc rất nhiều ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên. Để có lá buông ghi chép, công đoạn đầu tiên là các nghệ nhân tìm chọn những búp lá buông non to bản đều, rồi bó cột lại không cho xòe ra tiếp xúc với ánh sáng mặt  trời mà phát triển thêm, làm cho lá non mềm, giữ được màu trắng ngà như giấy. Bó cột khoảng 2 – 3 tháng thì chặt búp non đem về dùng 1 miếng gỗ có kích thước khoảng 6 cm X 60 cm kẹp vào, rồi cắt theo cỡ tấm ván, sau đó đem phơi khô, rất bền, không bị mối mọt ăn. Khi ghi chép, phải chọn người có hoa tay viết chữ đẹp, dùng que sắt viết chữ lên lá, mỗi lá chỉ viết được 5 hàng, người viết giỏi, thật chăm chút tỷ mẩn mỗi ngày cũng chỉ viết được 1 lá, mỗi bộ sách có hàng trăm lá buông.

                                      Sư thầy kỳ công chép kinh trên lá buông

Sau khi viết xong dùng nước than gỗ, hoặc nước trái cau non lau sạch, chữ viết sẽ hiện lên rõ nét và càng để lâu mặt lá càng bóng, chữ viết càng trở nên lấp lánh. Mỗi bộ sách lá là cả một công trình rất công phu và luôn được bọc trong vải cẩn thận, cất giữ nơi cao ráo, thoáng mát. Bộ sách dầy hay mỏng tùy thuộc vào nội dung kinh, hoặc cốt truyện, nhưng trung bình mỗi bộ nặng khoảng 1 kg lá buông. Có thể nói, hiện nay sách lá buông được coi là báu vật quý hiếm có giá trị về văn hóa, nghệ thuật mang đậm nét truyền thống trong quy trình làm sách cổ của người Khmer Nam bộ hơn một thế kỷ qua.

 Đọc kinh chép trên lá buông

Mỗi bộ sách được lưu giữ bảo tồn tại các ngôi chùa Khmer hiện nay không chỉ phục vụ cho việc truyền đạt kinh Phật mà thông qua những câu chuyện dân gian, những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca…đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giáo dục luân thường đạo lý cho các phật tử trong cộng đồng phum, sóc. Đồng thời qua những bộ sách lá đã góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng mẹ đẻ của cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng Bảy Núi, An Giang nói riêng. Năm 2006, chùa Xà Tón vinh dự được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá buông nhất Việt Nam”.