Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo tiếng trống trận Tây Sơn miền đất võ

Tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) có một đội nữ nhạc võ chuyên biểu diễn trống trận Tây Sơn để phục vụ lễ tiết trong các dịp lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa, lễ giỗ Quang Trung... và phục vụ du khách.

 

Nghệ nhân biểu diễn trống Tây Sơn

Được xem nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, 57 tuổi ở Tây Sơn biểu diễn, mới thấy sự độc đáo của tiếng trống trận Tây Sơn. Người đánh trống như là một võ sĩ đang đi những bài quyền với đôi dùi trống là vũ khí…

Ngày xưa, người đánh trống trận phải là người am hiểu võ thuật, binh pháp. Tương truyền nhà Tây Sơn đặt ra nhạc võ để huấn luyện quân và khiển trận. Dàn nhạc võ Tây Sơn xưa gồm mười sáu trống chiến, tù và, chiêng, phèng la… Trống chiến là linh hồn của nhạc võ. Hiện nay trống chiến chỉ còn mười hai trống, tượng trưng cho thập nhị địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão…), xếp thành ba bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài. Một bài trống trận Tây Sơn gồm có 3 hồi: Xuất quân, xung trận - công thành và ca khúc Khải hoàn.

Khi tiếng trống cất lên, hồn thiêng sông núi, tiếng võ ngựa thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn như vọng về… Khi xưa dưới cờ nữ tướng Bùi Thị Xuân có bốn phó nữ tướng trẻ đẹp tài cao, mà người đương thời gọi là Tây Sơn Ngũ Phụng thư (gồm Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc), đã cùng nhau huấn luyện và điều khiển tượng binh gồm một trăm thớt voi và đoàn nữ binh trên hai ngàn người làm nên những chiến thắng thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ.

Tiếp nối hào khí Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, hình như chỉ có “đội quân tóc dài” mới đảm nhận việc điều khiển trống trận 12 chiếc. Hiện nay ở đội nhạc võ ngoài nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, có Hoàng Mai cũng biểu diễn được trống trận Tây Sơn.