- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trò chuyện với phóng viên Báo LĐ&XH về ý chí, khát vọng của Bác Hồ trong việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, tư tưởng chiến lược, khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nhất trong Tuyên ngôn Độc lập?
-Đúng như vậy. Tại quảng trường Ba Đình, đúng 70 năm về trước (2/9/1945), trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nhắc lại những thông điệp lịch sử này để thấy rằng, tư tưởng chiến lược về “một nước Việt Nam độc lập, hòa bình ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc...”, đã theo Bác suốt những năm tháng Người hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Sau chiến thắng quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), hòa bình được lập lại tại miền Bắc, Bác Hồ đã dự cảm về một cuộc đối đầu lịch sử với chủ nghĩa thực dân mới là đế quốc Mỹ sau này rất cam go, rồi mới giành được hòa bình, thống nhất cho đất nước...Và thực tế, chúng ta đã phải mất đúng 30 năm(1945-1975), chiến đấu hy sinh, cam go, ác liệt mới có ngày toàn thắng 30/4/1975 lịch sử...
*Trong các tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy tư tưởng chiến lược xuyên suốt của Bác là sự kiên trì đấu tranh trong hòa bình để có được độc lập, thống nhất cho đất nước.Người đều không muốn hòa bình phải giải quyết qua các cuộc chiến tranh, thưa ông?
- Đó là nhận thức, tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng. Cần nhắc lại lịch sử, khi Cách mạng Tháng 8/1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược, buộc nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ suốt chín năm gian khổ(1945-1954), để có được hòa bình ở miền Bắc. Nhưng, sau thắng lợi vĩ đại tại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ( ngày 20/7/1954) cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi ở nửa nước. Với Hiệp định Giơ ne vơ 1954, các cường quốc trên thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc) đã phải công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã có ý đồ để thay thế Pháp vào Việt Nam và Đông Dương từ đầu năm 1950 và quyết định can thiệp sâu và chiến tranh Việt Nam, từng bước gạt Pháp ra để độc chiếm và gây ảnh hưởng lên toàn bán đảo Đông Dương và toàn khu vực Đông Nam Á. Điều này, Bác Hồ đã nhận thấy rất sớm. Tháng 6/1954, Bác đã trao đổi với các đồng chí của mình để thấy rõ cuộc chiến đấu của chúng ta còn gian khổ, lâu dài và sắp tới phải đương đầu với đế quốc mới là Mỹ. Người nhận định: “Mỹ sẽ từng bước thay thế Pháp và trở thành kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam...”. Chỉ đạo của Bác với Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng, kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, làm trưởng đoàn khi đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ, đều là: “Đàm phán, đấu tranh hòa bình để thống nhất đất nước, hết sức tránh chiến tranh...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sỹ miền Nam (ảnh tư liệu)
*Xin ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?
- Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tuy nhiên cuộc đấu tranh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam để thực hiện những quy định, cam kết mang tính pháp lý của Hiệp định gặp những khó khăn, cản trở lớn bởi Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở phía Nam.
Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ thành công, Người nêu rõ: “Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị”.
Sau khi Pháp rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ chính thức thay chân Pháp và tăng cường xây dựng chế độ thực dân mới do Mỹ dựng lên ở miền Nam. Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ càng khó khăn và đứng trước những thách thức mới: Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam không những đã cự tuyệt thi hành những điều khoản của Hiệp định, mà còn trắng trợn đàn áp, trả thù những người kháng chiến, yêu nước ở miền Nam, đẩy mạnh các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, tư tưởng của Bác luôn là: “Độc lập và thống nhất để đi đến hòa bình”.
Theo đúng quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 19/7/1955, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Quốc trưởng và Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn khi đó) đề nghị đại biểu hai miền mở hội nghị Hiệp thương từ ngày 20/7 để bàn việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước trong hai năm(1955-1956). Tuy nhiên, Chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ đề nghị đó. Hai miền Nam - Bắc bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, sau đó, Mỹ chính thức đưa quân vào xâm lược Việt Nam(năm 1965), buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu, dù Bác Hồ và Đảng Lao động Việt Nam đã cố gắng hết sức để tránh cuộc chiến tranh đối đầu với đế quốc Mỹ...
*Khi chúng ta buộc phải chiến đấu với quân Mỹ và tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cơ sở nào để Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo định hướng: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thưa ông Phúc?
- Như đã nói ở trên, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm về một cuộc can thiệp của chủ nghĩa thực dân mới là đế quốc Mỹ sẽ vào miền Nam Việt Nam. Do vậy, cùng với chỉ đạo trong đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã có những bước chuẩn bị khi việc tổng tuyển cử hai miền không diễn ra, chúng ta buộc phải đối đầu với Mỹ về quân sự, không thể tránh một cuộc chiến tranh mới với Mỹ.
Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tương quan so sánh, tình hình địch-ta và chỉ ra rằng: Mỹ là nước đế quốc giàu nhất, mạnh nhất trong các nước đế quốc, có chiến lược toàn cầu với tham vọng quá cao, là muốn làm bá chủ thế giới, trở thành “sen đầm quốc tế”. Tuy nhiên, Mỹ lại ở cách xa Việt Nam hàng vạn dặm, không hiểu biết lịch sử truyền thống, con người Việt Nam nên vừa đánh vừa thăm dò; khi bị thất bại, ý chí xâm lược dễ bị lung lay, vả lại, khí hậu, thời tiết ở Việt Nam rất khắc nghiệt, quân Mỹ sẽ không thể chịu đựng lâu dài...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Mỹ giàu thì có giàu nhưng không mạnh. Trong khi đó, nhân dân Việt Nam chẳng những không sợ Mỹ mà còn quyết tâm đánh Mỹ, dám thắng Mỹ và nhất định nhân dân ta sẽ giành thắng lợi...” Đó chính là những chỉ đạo mang tầm chiến lược cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này....
* Trân trọng cảm ơn ông !