Do đó, theo các chuyên gia pháp lý, thay vì ở thế bị động, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đến đâu biết đến đó như trước đây, cần để người dân có quyền chủ động tiếp cận thông tin. Vì quyền tiếp cận thông tin là quyền gốc, quyền của quyền nên cần xây dựng thiết chế này thật tốt, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì mới phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Gian nan công cuộc tiếp cận thông tin
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa, để minh bạch, trong quá trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin sau 5 năm bị gián đoạn vừa được “tái khởi động”, ban soạn thảo đề xuất, thông tin được tiếp cận là tin tức, dữ liệu có sẵn trong hồ sơ, tài liệu chính thức, do cơ quan nhà nước/cơ quan cung cấp thông tin tạo ra và nắm giữ để bảo đảm tính chính xác của thông tin chính thức.
Còn GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận: “Quyền tiếp cận thông tin là quyền gốc, quyền con người. Quy định này sẽ tránh gây khó khăn cho quá trình thực thi”.
Sự khó tiếp cận thông tin của người dân có nhiều nguyên nhân. Một phần do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập “kẽ hở”, thông tin không được công khai, minh bạch.
“Thiếu thông tin cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan nhà nước, đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất, thiếu bình đẳng, làm gia tăng sự tùy tiền, tham nhũng, tiêu cực”, chuyên gia cao cấp TS. Dương Thanh Mai nói.
Phát tờ rơi tuyên truyền về pháp luật cho người dân.
Theo các chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp, ở mức độ nhất định, pháp luật hiện hành của nước ta đã ghi nhận quyền tiếp cận thông tin, song có nơi, có lúc vẫn khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được. Thực tiễn cho thấy, còn một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng ví trí đặc quyền để trục lợi trong việc cung cấp thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi dẫn chứng, khi cá nhân ông có nhu cầu tìm mua bất động sản thấy rằng những thông tin phải bỏ tiền mua thì không hề đáng tin cậy. Nếu tạo được nền móng để công dân có thể tìm kiếm những thông tin liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, những thông tin ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân sẽ góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực.
Hơn nữa, thông tin không được cung cấp một cách chính thức, kịp thời dẫn đến việc người dân tiếp nhận phải những thông tin sai lệch, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu rõ, "phải bảo đảm cung cấp thông tin chính thống, qua đó át đi những thông tin không chính thống".
Độc quyền, bưng bít thông tin, dễ xảy ra tiêu cực
Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng cần được quy định rõ ràng. Trước hết, thuộc về trách nhiệm của nhà nước, của hệ thống các cơ quan nhà nước bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, TAND, Viện KSND để mọi công dân có quyền chủ động tiếp cận thông tin liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức như đất đai, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục...
Các chuyên gia cho rằng, để việc tiếp cận thông tin của người dân không rơi vào bệnh hình thức, trước hết phải tạo cơ chế giải tỏa “nút thắt” về quan điểm thế nào là thông tin “mật”, ai có trách nhiệm cung cấp thông tin, chủ động công bố thông tin. Việc phải có một cơ chế giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin cũng quan trọng và cần được “luật hóa”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chủ thể phải cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan Nhà nước và các tổ chức có sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước (bao gồm các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức do Thủ tướng thành lập, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước, quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật), trừ tổ chức chính trị. Theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), đây là “quan niệm chung trên thế giới”.
Bên cạnh đó, luật cần “thiết kế” nêu rõ các thông tin cấm tiếp cận, hạn chế tiếp cận nhằm tránh tạo “khoảng tối” khiến người dân không thể biết được thông tin nào thuộc diện hạn chế tiếp cận, thông tin nào không.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, bí mật nhà nước đương nhiên không được cung cấp, tuy nhiên, nếu là bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh… trong trường hợp xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ môi trường vì lợi ích cộng đồng thì nên cho phép người đứng đầu cơ quan tạo ra và nắm giữ thông tin đó xem xét, quyết định cung cấp thông tin với thủ tục, quy trình chặt chẽ.
Còn chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai đặc biệt nhấn mạnh thêm: thông tin dù chưa được văn bản pháp luật quy định công bố công khai trước khi thực hiện nhưng liên quan đến lợi ích của nhiều người (như việc chặt cây xanh ở Hà Nội vừa qua) thì cũng cần công bố rộng rãi để người dân biết.
Phải nói thêm rằng, ở đâu có độc quyền và bưng bít thông tin thì tham nhũng, tiêu cực có cơ hội hoành hành. Ở đâu bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, quyền con người và trách nhiệm giải trình thì tham nhũng, tiêu cực bị đẩy lùi như nhận định của Phó Trưởng ban Nội chính Nguyễn Doãn Khánh.