Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con ở vùng đất Củ Chi, mặc dù đang học năm thứ 3 đại học, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Tố đành chia tay với giảng đường, kiếm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề khác nhau. Từ khi lập gia đình ra ở riêng, vốn liếng không có, Vợ làm công nhân với đồng lương ít ỏi, cuộc sống gia đình anh càng trở nên túng thiếu. Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ để tìm cho mình một hướng làm ăn mới để vươn lên thoát nghèo, năm 1997 anh Nguyễn Hoàng Tố quyết định tận dụng khoảng đất trống khoảng 50 m2 ở sau nhà làm chuồng để nuôi thỏ kiến thêm thu nhập cho gia đình. Ban đầu, do ít vốn nên anh chỉ mua được 10n con thỏ cái và vài con thỏ đực (loại thỏ ăn rau, lá cây…) về thả nuôi.
Anh Nguyển Hoàng Tố với giống thỏ do anh lai tạo thành công nuôi bằng thức ăn công nghiệp và bán công nghiệp đem lại lợi nhuận cao
Thỏ vốn là loài mắn đẻ, sinh trưởng nhanh, trung bình đẻ từ 7- 8 lứa/năm và mỗi lứa có từ 6 – 8 con, nên chỉ một thời gian sau đàn thỏ nhà anh đã đông dần lên, với khoảng trên 100 con. Tuy nhiên đầu những năm 2000, thịt thỏ chưa trở thành món đặc sản được thực khách ưa chuộng tại các quán nhậu, nhà hàng nên giá cả thấp, lại bấp bênh khó thiêu thụ, nên thu nhập của gia đình anh cũng không đáng kể. Đâm lao phải theo lao, không nản chí, với quyết tâm vừa nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế, đọc tài liệu và vận dụng kiến thức đã từng học về di truyền ở trường đại học, anh đã lai tạo thành công giống thỏ bán công nghiệp (vừa ăn rau cỏ vừa ăn thức ăn công nghiệp).
Chuống trại nuôi thỏ công nghiệp luôn được làm cao ráo và sạch sẽ, nên thỏ ít bị dich bệnh phát triển tốt
Thành công này đã mở ra một triển vọng thật khả quan trong chăn nuôi thỏ theo mô hình mới, anh quyết định phát triển đàn thỏ lên gần 300 con, bình quân mỗi tháng xuất chuồng khoảng từ 100 – 120 con thỏ thịt, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 12 - 14 triệu đ/tháng. Từ năm 2004 đến nay, khi dịch cúm gia cầm thường xảy ra ở nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, người tiêu dùng bắt đầu chú ý đến thịt thỏ, nhu cầu cung ứng thị thỏ trên thị trường vì thế tăng nhanh, nhờ đó mà nguồn thu nhập của gia đình anh cũng tăng cao và ổn định. Mô hình nuôi thỏ theo hướng công nghiệp ngày càng phát triển và anh tiếp tục nghiên cứu cho lai tạo thành công giống thỏ Vina SB hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp vào năm 2008, đã được đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ.
Giống thỏ do anh Nguyễn Hoàng Tố lại tạo hiện đang được anh nhân con giống bán cho những hộ có nhu cầu nuôi trong vùng
Theo một số hộ nông dân nuôi thỏ ở Củ Chi, giống thỏ do anh Nguyễn Hoàng Tố lai tạo có ưu điểm ít dịch bệnh, dễ nuôi (vì ăn thức ăn công nghiệp), trọng lượng đạt từ 6 – 7 kg/con trưởng thành, đang được thị trường ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, người nuôi thỏ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam đã tìm đến cơ sở của anh mua thỏ giống. Hiện nay, gia đình anh nuôi hơn 350 con thỏ cái và hàng chục con thỏ đực, mỗi tháng bình quân anh xuất khoảng trên 100 con thỏ giống/tháng, với giá ổn định khoảng 400.000đ/con, trừ mọi chi phí còn có lãi khoảng 15 triệu đ/tháng (chưa kể thu nhập từ thỏ thịt).
Hiện nay nhiều người nuôi thỏ ở các tỉnh thành phía Nam đều tìm đến trang trại anh Nguyễn Hoàng Tố mua thỏ giống
Gia đình anh thực sự đã đổi đời từ cơ duyên nuôi thỏ công nghiệp, nhờ đó mà mà cả 3 người con của anh ( 2 trai, 1 gái) đều lần lượt bước vào giảng đường đại học, cao đẳng. Với nỗ lực phấn đấu và thành quả đã đạt được, anh Nguyễn Hoàng Tố đã trở thành tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố 2 năm liền, do Hội Nông dân TP. HCM bình chọn.