Ngoài các giải thưởng bằng tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá lên tới 600 triệu đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội cam kết sẽ đồng hành và cùng với các tác giả xây dựng các sản phẩm đoạt giải trong vòng 1 năm.
Trước đó, 7 đội xuất sắc nhất trong số 18 đội lọt vào vòng chung kết đã có bài trình bày trước Ban Giám khảo và Hội đồng cố vấn về các bài thi của mình sau khi đã được hoàn thiện.
Từ 7 đội, Ban giám khảo gồm những chuyên gia trong các lĩnh vực: Công nghệ, kinh tế và khởi nghiệp đã chọn ra 4 đội có bài thi chất lượng cao nhất để trao giải thưởng.
Với chủ đề Internet of Things, hay còn gọi là mạng lưới vạn vật kết nối, các bài thi năm nay đều xoay quanh các vấn đề về nhà xưởng thông minh, Nông nghiệp thông minh; Năng lượng thông minh; Bán lẻ thông minh; Thiết bị đeo thông minh; Tự động hoá; Thành phố thông minh; An ninh; Sức khoẻ; Sản xuất thông minh...
Trước đêm chung kết, 18 đội thi vượt qua vòng sơ loại đã có 36 giờ làm việc với cường độ cao, ăn ngủ dã chiến ngay tại địa điểm tổ chức cuộc thi. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, tham gia cuộc thi năm nay có những đội còn rất trẻ, nhiều bạn là sinh viên năm 2, năm 3 với tinh thần khởi nghiệp rất cao. Nhiều dự án tham gia đã khá hoàn thiện, có ý tưởng tốt, triển vọng và tính ứng dụng cao.
Ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, IOT hiện là xu hướng và có tiềm năng rất lớn trên thế giới. “Đối với Việt Nam, những sản phẩm IOT đã và đang triển khai vẫn chưa có sự nổi trội và thành công một cách xuất sắc. Đây là lý do Viettel mong muốn cộng đồng khởi nghiệp quan tâm đến vấn đề này, để tiến kịp với thế giới và cung cấp những sản phẩm tốt nhất ra thị trường. Viettel luôn sẵn sàng hỗ trợ các Start Up bằng tất cả các tiềm lực mình đang có”, ông Phùng Văn Cường nhấn mạnh.
Cuộc thi “Vietnam IOT Hackathon 2017” tiếp sức cho những tài năng trong lĩnh vực IOT của giới tri thức trẻ Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê sáng tạo của các bạn trẻ yêu công nghệ.