Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đổi mới cách dạy môn Văn, Sử sâu hơn, toàn diện hơn

Ngày 15/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết việc đổi mới môn Lịch sử, Ngữ văn sẽ cần sâu hơn, toàn diện hơn.

Tại Hội thảo các đại biểu tham dự cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng dạy học môn Lịch sử, Ngữ văn hiện nay ở trường phổ thông. Để rồi từ đó, thầy cô sẽ đề xuất các giải pháp đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học, kiểm tra đánh giá với môn Lịch sử và Ngữ văn ở trường phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết không phải đến thời điểm này Bộ GD&ĐT mới đặt vấn đề đổi mới môn Lịch sử, Ngữ văn và các môn học khác, mà vấn đề này đã đặt ra hàng chục năm nay. Nhưng chỉ đổi mới về phương pháp dạy học là chưa đủ mà phải đổi mới sâu hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, các thầy cô giáo cần bàn bạc trên tinh thần mở để dành nhiều thời gian định vị môn học, cách tiếp cận, tư duy môn học, khi làm được điều đó, phương pháp mới có gốc.

Kể từ khi Nghị quyết 29 ra đời, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành thì vấn đề đổi mới giáo dục mang tính tổng thể, toàn diện. Có thể nói khung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kịch bản đổi mới tổng thể, bài bản nhất từ trước đến nay, khung cho toàn bộ sự đổi mới. Việc đổi mới từng môn học, từng nội dung, phương pháp, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá sẽ dẫn đến sự thay đổi về lượng và chất.

Các môn học cần có sự đổi mới, nhưng môn Lịch sử, Ngữ văn là những môn Khoa học xã hội nhân văn, quan trọng, cần ưu tiên làm trước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong dạy môn Lịch sử và Ngữ văn. Với môn Lịch sử, nhiều thầy cô cho biết còn ôm đồm nhiều kiến thức, dạy chuỗi dài các sự kiện khiến học sinh không mấy hứng thú. Hay như môn Ngữ văn, tình trạng dạy theo lối mòn truyền thống, truyền thụ kiến thức một chiều, ngại đổi mới vẫn còn.

Đi vào những vướng mắc cụ thể hiện nay trong dạy học 2 môn Lịch sử và Ngữ văn, từ đó đề cập một số việc cần làm, Bộ trưởng cho rằng, vướng chung hiện nay của cả 2 môn học này là làm sao hấp dẫn được học sinh học và giáo viên hứng thú dạy. Theo Bộ trưởng, quan trọng là cái thực và tính chủ thể của giáo viên và học sinh trong tiếp cận môn học.

Đối với môn Lịch sử, cần tôn trọng sự thực khách quan, đối với môn Ngữ văn, cần tôn trọng cảm xúc, tình cảm thực. Phải để cho học sinh được tiếp cận với tư liệu và hiện vật, đối tượng khách quan. Học sinh phải được xác định là chủ thể, thầy cô như người chỉ đường; qua đó các em tự khám phá lịch sử, tự thấy cái hay của lịch sử; được tham gia vào quá trình sáng tạo, được thể hiện cảm xúc, thái độ thực của bản thân.

“Lịch sử là công cụ, chỗ dựa, phương tiện để tu dưỡng con người. Môn Lịch sử đem lại cho con người thế giới kinh nghiệm, tri thức về xã hội. Giáo dục Lịch sử là giáo dục cho trẻ em những trải nghiệm, chứ không chỉ là tri thức….”, Bộ trưởng cho rằng, tiếp cận vấn đề như vậy sẽ tìm ra phương pháp dạy học phù hợp.

Đối với môn Ngữ văn, Bộ trưởng đề cập đến việc cần tập trung nhiều hơn cho môn tiếng Việt, cần tiếp cận môn tiếng Việt với mục tiêu bất kỳ người Việt nào cũng có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt không chỉ ở bậc phổ thông, mà ở cả các cấp học cao hơn.

Khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Bộ trưởng nhấn mạnh, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tưởng tượng, phát triển các cảm xúc. “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được con người”, Bộ trưởng chia sẻ.

Cho rằng, đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá môn Lịch sử, Ngữ Văn là việc cần thiết, quan trọng, song Bộ trưởng cũng yêu cầu “không thể nóng vội và cần có tầm nhìn đổi mới”. “Chúng ta bàn về sự đổi mới để hướng tới sự tốt nhất. Có thể nhìn thấy con đường đi còn xa nhưng cần phải biết sẽ đi đến đâu. Đổi mới phải bắt đầu từ bên trong, từ chính chúng ta trước, sau đó thuyết phục xã hội. Con đường còn dài, nhưng tính tổng thể và tầm nhìn đổi mới phải bắt đầu…”, Bộ trưởng nêu rõ.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, đã có 29 báo cáo tham luận môn Ngữ văn, trong đó có 7 tham luận của các trường đại học, viện nghiên cứu, 22 tham luận của các Sở GD&ĐT; 30 báo cáo tham luận môn Lịch sử, trong đó 8 báo cáo tham luận của các trường đại học, viện nghiên cứu và 22 tham luận của các Sở GD&ĐT được gửi tới. Ngoài ra, Hội thảo cũng ghi nhận hàng chục ý kiến về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá môn Lịch sử và Ngữ văn từ các chuyên gia, giáo viên trực tiếp dạy 2 môn học này.

Một số vấn đề đặt ra đối với môn Ngữ văn được đề cập trong Hội thảo gồm: Làm thế nào để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập; làm thế nào để dạy học sinh cách đọc hiểu văn bản để học sinh có thể đọc được các văn bản khác cùng thể loại hoặc loại hình; làm thế nào để đa dạng hóa và đa dạng hóa như thế nào với các hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn; xây dựng đề kiểm tra định kỳ như thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh; xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm như thế nào để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đối với học sinh học theo chương trình hiện hành để chống văn mẫu trong nghị luận văn học, nhằm thúc đẩy đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học…

Ở môn Lịch sử, các đề xuất tập trung vào việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử trong việc thực hiện mục tiêu giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông; những biện pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử đảm bảo hiệu quả việc thay đổi từ chương trình tập trung vào nội dung sang chương trình hướng đến hình thành và phát triển năng lực của học sinh; đề xuất các điều kiện nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chương trình mới, đặc biệt là yếu tố giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đổi mới việc ra câu hỏi kiểm tra đánh giá nhằm khai thác các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề Lịch sử, từng bước đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc, thuộc lòng…

Bên cạnh đó, quá trình đào tạo sinh viên sư phạm nhiều năm gần đây còn bất cập khi chất lượng đầu vào chưa cao, chương trình đào tạo chưa bắt nhịp đổi mới. Từ đó, giải pháp là cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường cơ sở vật chất, giảm tải các tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức và chuẩn nghề nghiệp thay vào đó tập trung cho chuyên môn để nâng cao chất lượng.